TM ·
2 năm trước
 2563

Bình Dương: Chiến lược quy hoạch công nghiệp thân thiện môi trường

Bình Dương có hơn 60% cơ cấu GRDP là công nghiệp nên muốn phát triển bền vững thì quy hoạch phải chú ý đến chuyển đổi và thu hút mới.

Tại Hội thảo khoa học định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra, nhiều chuyên gia đã trình bày quan điểm xung quanh các vấn đề quy hoạch như: Quy hoạch tỉnh Bình Dương trong bối cảnh phát triển vùng TP.HCM; Quy hoạch sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai tỉnh Bình Dương; Phát triển kết nối bền vững và thành phố thông minh cho Bình Dương; Những yêu cầu về nội dung, quy trình, tiến độ khi lập quy hoạch tỉnh Bình Dương theo Luật Quy hoạch.

Lấykhông gian lịch sử, văn hóa, con người làm nền tảng phát triển

Tham luận về quy hoạch tỉnh Bình Dương trong bối cảnh phát triển vùng TP.HCM, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam đề xuất mô hình phát triển tập trung đa cực; cấu trúc đa trung tâm là nguyên tắc chủ đạo, trong đó các cực phát triển kết nối vùng đô thị trung tâm nhờ hệ thống giao thông gắn kết với TP.HCM. Tái cấu trúc các khu công nghiệp, hướng tới phát triển công nghệ cao gắn với việc tái đầu tư phát triển các khu đô thị chất lượng cao, định hướng thông minh; Tập hợp và tăng mật độ các khu định cư phi chính thức, không cho phép phát triển mở rộng dàn trải…

Bình Dương: Chiến lược quy hoạch công nghiệp thân thiện môi trường - Ảnh 1
Toàn  cảnh  buổi  hội  thảo.

Thay mặt cho Nhóm nghiên cứu chuyên gia Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng, PGS TS KTS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương, ông đã đưa ra 7 bước khung logic gồm nghiên cứu tiếp cận dự án; hiểu hiện trạng - cơ sở dữ liệu - xác định nguồn lực phát triển; Phân bổ không gian phát triển, các cấu trúc không gian động lực; tổ chức không gian lãnh thổ;…Đồng thời đề xuất phát triển các cấu trúc không gian lớn như chuỗi đô thị động lực TOD, đô thị trí thức kết nối TP.Thủ Đức và Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương theo động lực cánh Đông vùng, là đường sắt Cái Mép - Bình Phước.

Chuyển đổi hạ tầng dịch vụ công nghiệp và đô thị sang dịch vụ cho số đông, dựa vào động lực giao thông nhanh BRG và Metro Suối Tiên – thành phố thông minh Bình Dương) từ động lực vành đai 3 và 4. Chuyển đổi hạ tầng phát triển thành phố htông minh sang thành phố đa phương thức. Số hóa không gian để quản lý phát triển theo công nghệ …

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu Định cư, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Bình Dương cần tổ chức lại các vùng chức năng và đất đai, có quỹ đất phát triển giao thông công cộng tốc độ cao, hợp lý hóa đất đai để đưa đến giá trị gia tăng cao hơn cho bất động sản và dịch vụ, chuyển sang nền kinh tế trí thức phía Nam, tận dụng cơ hội kết nối vùng tại Vành đai 3; Thiết lập không gian lịch sử, văn hóa, con người Bình Dương làm nền tảng phát triển; Phát triển theo chiều sâu hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện hữu để tận dụng cơ hội kết nối vành đai 4; Chuyển đổi mô hình đô thị (thành phố mới - thành phố thông minh - thành phố dịch vụ đa phương thức); Chuyển đổi số toàn diện về mô hình quản lý phát triển lãnh thổ tỉnh.

Phát triển công nghiệp thân thiện môi trường

Tiếp cận dưới góc độ mô hình khu công nghiệp sinh thái, theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, Bình Dương có hơn 60% cơ cấu GRDP là công nghiệp nên muốn phát triển bền vững thì quy hoạch phải chú ý đến chuyển đổi và thu hút mới. Cụ thể, phối hợp tận dụng chất thải, năng lượng tái tạo, tạo ra lợi ích môi trường, lợi ích xã hội, lợi ích kinh tế.

Bình Dương: Chiến lược quy hoạch công nghiệp thân thiện môi trường - Ảnh 2
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài đã đề xuất về chính sách cốt lõi phát triển khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao sinh thái. Theo đó,  quy hoạch và thiết kế khuôn viên khu công nghiệp phải phù hợp với cộng đồng xã hội có khả năng kết nối cơ sở hạ tầng xã hội bên trong và bên ngoài đô thị; Có chính sách khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách thay thế các vật liệu độc hại, hấp thụ khí thải và xử lý các chất thải; có chính sách khuyến khích tái chế và tái sử dụng bên trong khu công nghiệp và kết nối bên ngoài khu công nghiệp…

Tham luận về vấn đề  phát triển kết nối bền vững và thành phố thông minh cho Bình Dương, theo TS Trịnh Anh Tú - Viện Trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý, Bình Dương cần hệ sinh thái kiểu mới trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển các lĩnh vực thế mạnh thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo (các trường đại học quốc tế, các ngành ưu tiên phục vụ địa phương); Kết nối với chuyển đổi số (chuyển đổi số doanh nghiệp, xã hội, Chính quyền điện tử, dịch vụ công cấp độ 4, tiện ích thành phố thông minh); kết nối đổi mới sáng tạo với hệ sinh thái vườn ươm doanh nghiệp, Faplap, Techlap. Phát triển bền vững với năng lượng xanh, năng lượng thông minh…

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết: “Quy hoạch phải mang tính khả thi tạo nguồn lực cho tỉnh phát triển. Trong từng giai đoạn, tỉnh đã triển khai quy hoạch và tạo đà phát triển. Nêu ra các hướng chiến lược, tầm nhìn của các lãnh đạo từng thời kỳ với những bước triển khai để đạt được kết quả như hiện nay cũng như xu hướng phát triển của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới”.

Ông Thuận cho hay, đơn vị tư vấn cố gắng phát huy những thành quả tỉnh Bình Dương đã đạt được, quy hoạch phải đặt Bình Dương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong giai đoạn tới, tỉnh cần trở thành Thành phố thông minh bằng các dự án cụ thể. Trước mục tiêu phát triển mới, từ 6 trụ cột lồng ghép với 37 nhiệm vụ Chính phủ đã phê duyệt cho Bình Dương, tỉnh muốn tiếp tục phát triển công nghiệp, phát triển cân bằng giữa công nghiệp và dịch vụ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu, tiếp tục phát triển trong tương lai.

Huy Dũng