Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngay vào đầu mùa mưa năm 2021, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, gây ảnh hưởng đến an toàn của người dân khi tham gia giao thông, làm hư hỏng các công trình của Nhà nước, doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 20/4/2021 và ngày 23/4/2021 tại khu vực dự án Goldsand Hill Villa, P. Mũi Né, TP. Phan Thiết và khu vực tuyến đường ven biển 706B từ Mũi Né đến xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình đã xảy ra tình trạng sạt lở đất.
Bình Thuận tăng cường kiểm tra việc bảo vệ môi trường, sạt lở đất tại các dự án, công trình ven biển
Để kịp thời ứng phó, xử lý sự cố khi có mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Xây dựng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các Sở, ngành có liên quan liên quan, cùng các địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế các khu vực dự án để xảy ra sự cố vừa qua và kiểm tra các dự án du lịch, công trình ven biển tại vị trí có địa hình cao, trên đồi, trực tiếp đấu nối vào tuyến đường giao thông, gần khu dân cư thuộc địa bàn thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam và huyện Bắc Bình đã cấp phép xây dựng hiện đang xây dựng, thi công các hạng mục công trình hoặc chuẩn bị triển khai thi công, trong đó, tập trung kiểm tra hồ sơ thiết kế, hồ sơ bảo vệ môi trường, biện pháp thi công, biện pháp thoát nước mặt khi có mưa lũ,...
UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Sở TN&MT chủ trì, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra thực tế các dự án khai thác khoáng sản, nhất là các dự án nằm ở vị trí địa hình cao, đồi dốc. Qua kiểm tra, nếu phát hiện các dự án nào không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn trong khu vực khi mưa lũ, thiên tai, sự cố xảy ra thì phải chấn chỉnh, yêu cầu chủ đầu tư triển khai ngay các biện pháp khắc phục. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận yêu cầu tất cả các dự án, công trình này phải xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố kịp thời khi có mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình. Phương án triển khai phải được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, vi phạm theo quy định.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định các vùng, địa bàn xung yếu, nhất là các khu dân cư ven biển, vùng trũng, khu vực có người dân sinh sống gần các dự án khai thác tài nguyên, thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai để xây dựng giải pháp, biện pháp phòng ngừa nguy cơ khi có tình huống thiên tai xảy ra và lập kế hoạch, điều chỉnh phương án ứng phó mưa lũ, thiên tai, sự cố hợp lý; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Thuận theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực ven biển nơi tập trung nhiều dự án du lịch có nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở đất để thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, chủ dự án và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.