Minh Anh ·
2 năm trước
 3566

Bồi thường khí hậu - nỗ lực đi đến thỏa thuận đóng góp tài chính

Các nhà đàm phán đang nỗ lực thu hẹp cách biệt giữa các bên tại Hội nghị khí COP27, Ai Cập - nước đăng cai Hội nghị COP27, kêu gọi các bên tìm cách đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa khi nhiều nước vẫn đang tranh cãi về đóng góp tài chính.

Biến đổi khí hậu đã gây hậu quả tới mức nào cho các nước nghèo và cần bao nhiêu tiền để khắc phục thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, cháy rừng? Có rất nhiều cách tính, cho ra những con số rất khác biệt. Bên cạnh đó, trong số những thiệt hại này, bao nhiêu % là do khí thải từ các nước công nghiệp, bao nhiêu % do chính các quốc gia nghèo tự chặt phá cây rừng, tự làm xói lở bờ sông của nước mình? Điều này là không thể ước lượng được, theo đó có nhiều chi tiết làm cho việc đàm phán trở nên cực kỳ phức tạp.

Phát biểu trước báo giới, ông Wael Aboulmagd, người đại diện đặc biệt của Chủ tịch COP27 cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đang được tranh luận tại hội nghị.

Biến đổi khí hậu đã gây hậu quả tới mức nào cho các nước nghèo và cần bao nhiêu tiền để khắc phục thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, cháy rừng? (Ảnh minh họa)

"Một số phái đoàn đang ngần ngại đưa ra cam kết ở nhiều nội dung. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng tất cả các bên sẽ nhận thức được mức độ khẩn trương của tình hình và hiểu rằng bảo vệ lợi ích kinh tế trong trường hợp này không phải là điều quan trọng nhất. Tất nhiên các nước đều muốn vì lợi ích quốc gia, nhưng các thách thức môi trường hiện nay là rất nghiêm trọng", ông Wael Aboulmagd, đại diện đặc biệt của Chủ tịch COP27, nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho biết vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay là việc các nước giàu chấp nhận bồi thường cho những nền kinh tế mới nổi vì đã đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu, trong khi tổng nhu cầu tài trợ theo các ước tính mới nhất lên tới hàng nghìn tỷ, thay vì hàng tỷ USD.

Trong khi với các nước đang phát triển, ưu tiên tại hội nghị lần này là hối thúc các nước giàu thực hiện đúng cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo trong việc "xanh hóa" nền kinh tế và xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

"Tổng cộng chúng ta cần huy động 1,4% GDP toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu, về lý thuyết điều này hoàn toàn có thể làm được, nhưng sẽ có những quốc gia thu nhập thấp không đáp ứng được yêu cầu tài chính này và do vậy cần đến sự hỗ trợ của các nước thu nhập cao để đạt được mục tiêu khí hậu mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế", ông Stephane Hallegatte, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Các bên tham gia hội nghị cũng chia rẽ về vấn đề lập một quỹ bồi thường cho "thiệt hại và mất mát", theo đó các nước giàu gây ô nhiễm sẽ bồi thường cho các nước đang phát triển vì những thiệt hại do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất đồng về mục tiêu kiềm chế đà tăng nhiệt toàn cầu ở mức tăng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hiện tại vấn đề về tài chính là một thách thức lớn khác đối với các quốc gia đang phát triển trong việc tìm cách hạn chế phát thải, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương của họ khỏi các cú sốc khí hậu, chẳng hạn như hạn hán và lũ lụt. Trong khi đó, Các nước giàu đã không thực hiện được cam kết huy động 100 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2020, để hỗ trợ tài chính giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Việc này đã tạo ra sự rạn nứt và ngờ vực mà các nhà đàm phán hy vọng sẽ kết thúc bằng những cam kết và thoả thuận mới.