Trần Tuấn ·
3 năm trước
 4072

Bỗng dưng phát hiện mình có tên trong hồ sơ nợ xấu tại Vietcredit dù chưa từng vay tiền

Gần đây, cộng đồng xôn xao về chuyện công dân được thông báo có tên trong...hồ sơ nợ xấu, bởi anh này đã nợ một món tiền và chậm thanh toán 96 ngày tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (Vietcredit), dù người này...chưa từng đi vay.

Đó là câu chuyện khó tin, nhưng có thật. Câu chuyện này được anh Trần Nhật Đức (thôn 7, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam) kể lại như sau: Do có nhu cầu đầu tư kinh doanh nên anh Đức đã đến Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) để làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên tại đây anh Đức đã vô cùng bất ngờ khi được phía ngân hàng MSB thông báo tên anh có trong hồ sơ nợ xấu tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC).

Ngân hàng MSB cho biết, anh Đức hiện nợ số tiền 10.000.000 (mười triệu đồng) và đã chậm thanh toán 96 ngày (tính đến ngày 30/4) tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (Vietcredit). Anh Đức hoàn toàn bất ngờ trước thông tin này, bởi anh Đức chưa từng vay bất cứ khoản vay tín dụng hay thiết lập thẻ tín dụng nào tại Vietcredit cũng như các công ty tài chính khác.

VietCredit

Anh Đức hoàn toàn bất ngờ trước món nợ xấu này, bởi anh Đức chưa từng vay bất cứ khoản vay tín dụng hay thiết lập thẻ tín dụng nào tại Vietcredit cũng như các công ty tài chính khác

Trước sự việc kể trên, anh Đức liên hệ phía Vietcredit thì được biết khoản vay này có từ tháng 5/2020 với số tiền 10.000.000 và đến nay đang chậm thanh toán với mức nợ xấu nhóm 3.

Anh Đức khiếu nại yêu cầu Vietcredit giải quyết, bởi rằng anh chưa từng vay tiền, không thể có chuyện anh có món nợ 10.000.000 đồng như vậy được. Anh Đức cung cấp CMND để đối chiếu thì hình ảnh trong hồ sơ vay hoàn toàn sai lệch, không đúng theo giấy tờ gốc của anh.

Phía Vietcredit cũng thừa nhận anh Trần Nhật Đức không phải là người đã vay khoản tín dụng 10 triệu đồng như đã nêu trên.

VietCredit

VietCredit

Thông tin về khoản nợ xấu của anh Trần Nhật Đức trên Cổng thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) dù anh chưa từng vay nợ

Một công dân bình thường, khi muốn vay tiền, đi vay mới phát hiện ra chuyện mình có tên trong hồ sơ nợ xấu tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Điều này không chỉ gây bất lợi, phiền hà cho những người không may trở thành "nạn nhân" giống như anh Đức, mà nếu không phát hiện sớm, để món nợ xấu cứ tiếp tục "lên cấp" thì sau cùng những "nạn nhân" sẽ còn gặp phiền hà như thế nào?

Ít nhất, anh Đức sẽ phải khiếu nại và yêu cầu Vietcredit xác nhận chưa từng phát sinh khoản vay, rồi khiếu nại về Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để chỉnh sửa thông tin, "trả lại" cho anh Đức lịch sử vay nợ sạch sẽ, nếu không sẽ rất bất lợi cho anh khi muốn vay vốn tại các ngân hàng.

Từ sự việc này, vấn đề đặt ra là một cá nhân không hề vay tiền nhưng lại có hồ sơ tại Vietcredit, vậy hồ sơ đó đã được “phù phép” như thế nào để được Vietcredit duyệt vay? Và Vietcredit có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này? 

Thực tế, không riêng anh Trần Nhật Đức trở thành nạn nhân trong các vụ làm giả hồ sơ để vay tiêu dùng. Trước đó cũng đã có nhiều người khác rơi vào tình cảnh tương tự. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những chế tài phù hợp để chấn chỉnh tình trạng này, tránh để người dân phải rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở” khi vướng phải hai chữ “nợ xấu”.