Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, đơn vị này đã có báo cáo gửi UBND TP. Vũng Tàu về kết quả xác minh các nội dung tố cáo của người dân đối với ông Nguyễn Hồng Dương, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Xây dựng Thanh Xuân (Công ty Thanh Xuân - 662A Nguyễn An Ninh, Phường 8, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng trên địa bàn, liên quan đến 2 dự án là Khu nhà ở thương mại thấp tầng (Khu nhà ở Ngọc Tùng) và Khu nhà ở Thanh Xuân, cùng tại phường 12 đều do ông Dương làm chủ.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo và qua phản ánh của báo chí, Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu đã phối hợp cùng ban ngành liên quan của TP. Vũng Tàu đã tiến hành rà soát hồ sơ, kiểm tra hiện trạng tại 2 dự án trên và phát hiện nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng tại hai dự án nêu trên.
Theo đó, tại Khu nhà ở Ngọc Tùng, tuy dự án đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (mục đích sử dụng là đất nông nghiệp), do đó việc xây dựng công trình tại dự án là chưa đủ điều kiện và phải bị xử lý vi phạm theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Dự án xây dựng không phép liên quan đến Công ty Thanh Xuân tại TP. Vũng Tàu.
Qua kiểm tra của Cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu, hiện trạng dự án đã thi công một khối nhà liên kế 4 tầng, hoàn thiện thô, diện tích đất 100m2/lô, diện tích xây dựng 70m2/lô, diện tích sàn khoảng 268m2/lô. Đã thi công đường nối từ cuối hẻm 7 Phước Thắng vào các nhà ở liên kế đang xây dựng.
Còn tại dự án Khu nhà ở Thanh Xuân, dù dự án này chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chủ đầu tư đã tổ chức xây dựng hạ tầng. Hiện trạng về đất đai tại khu vực dự án là đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Không chỉ sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng liên quan đến hai dự án nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu cũng phát hiện Công ty Thanh Xuân có hành vi vi phạm khi xây dựng trái phép trụ sở văn phòng trên đất nông nghiệp.
Cụ thể, theo kết quả xác minh nội dung tố cáo của công dân đối với ông Nguyễn Hồng Dương - người đại diện pháp luật của Công ty Thanh Xuân, doanh nghiệp này đã tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, với diện tích vi phạm 648m2 thuộc một phần thửa đất số 267+05.
Còn về hiện trạng, Công ty Thanh Xuân đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp có kết cấu nhà tiền chế, khung sắt, tường gạch, mái tôn trên diện tích 648m2, hiện đang là địa chỉ trụ sở của Công ty Thanh Xuân.
Trước hành vi này, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 3459/BC-TNMT ngày 29/7 về việc đề xuất Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Thanh Xuân tại phường 8, TP. Vũng Tàu.
Công ty Thanh Xuân xây dựng trái phép công trình văn phòng trên đất nông nghiệp.
Trước đó, ngày 31/12/2021, UBND TP. Vũng Tàu đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15189/QĐ-XPHC đối với Công ty Thanh Xuân vì có hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thuộc một phần thửa đất số 267+05 tờ bản đồ số 71 với diện tích vi phạm là 648m2.
Tại Văn bản số 595 ngày 13/6/2022 của UBND phường 8 thể hiện, UBND phường 8 đã tổ chức bàn giao Quyết định xử phạt số 15189 cho Công ty Thanh Xuân và yêu cầu công ty phải chấp hành quyết định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
Công ty đã nộp đủ số tiền phạt là 46.000.000 đồng. Đến ngày 6/6/2022, sau khi kiểm tra thực tế, Công ty Thanh Xuân chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt số 15189 nên UBND phường 8 đề xuất Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu ban hành quyết định cưỡng chế đối với Công ty Thanh Xuân.
Với những căn cứ nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu cho rằng, có đủ cơ sở để xác định Công ty TNHH Xây dựng Thanh Xuân đã không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt và phải bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Do vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Thanh Xuân.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, ông Vũ Hồng Thuấn cho biết, UBND TP. Vũng Tàu đã giao cho UBND phường 8 vận động, yêu cầu Công ty Thanh Xuân tự khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, bên Công ty không chấp hành, không chủ động việc tháo dỡ. Do đó, UBND Thành phố đã ban hành quyết định cưỡng chế công trình đang xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của Công ty Thanh Xuân.
“Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh, cũng như lãnh đạo Thành phố là xử lý nghiêm các công trình sai phạm trên địa bàn và không có vùng cấm, ai vi phạm thì đều phải xử lý hết. Doanh nghiệp mới vi phạm thì phải xử lý ngay, còn doanh nghiệp đã vi phạm trước đó khi phát hiện ra cũng phải xử lý luôn”, ông Vũ Hồng Thuấn nhấn mạnh.
Theo luật sư Phan Văn Tú (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, hành vi xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và bị pháp luật nghiêm cấm. Theo Luật Đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình. Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì bị phạt triền từ 1 – 2 triệu đồng nếu diện tích dưới 0,5ha; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha và phạt từ 5 – 10 triệu nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên. “Ngoài ra, người có hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền vừa phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên diện tích đất vi phạm đó và nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm có được”, luật sư Tú cho biết thêm. |
Nguồn: Kinh tế Môi trường