Huyền My ·
1 năm trước
 5761

Cà Mau: Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững

Với tổng mức vốn đầu tư 2.014 tỷ đồng, Cà Mau nỗ lực quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức vốn đầu tư 2.014 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đạt 220 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 144 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 76 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác đạt 1.794 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu thực hiện Chương trình là quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 18%; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm, năng suất rừng trồng đạt bình quân 30 m3/ha/năm; diện tích rừng trồng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha.

Với tổng mức vốn đầu tư 2.014 tỷ đồng, Cà Mau nỗ lực quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển và hải đảo.

Từ đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Cụ thể, bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 – 2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 18%; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm, năng suất rừng trồng đạt bình quân 30 m3/ha/năm; diện tích rừng trồng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha.

Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 trên địa bàn Cà Mau: Tổng khối lượng trồng rừng 2.947 ha, trồng rừng mới 301 ha, trồng rừng sản xuất 205 ha, trồng lại rừng sau khai thác 2.646 ha, trồng rừng phòng hộ 280 ha, trồng rừng sản xuất 2.366 ha và trồng cây phân tán 2.800.000 cây.

Ngoài ra, kế hoạch còn chăm sóc rừng 10.424 ha, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 42.154 ha. Song song với việc khoanh trồng tái sinh rừng 610 ha, khoanh trồng mới 70 ha, khoanh trồng chuyển tiếp 540 ha. Tổng các nguồn vốn thực hiện gần 190 tỷ đồng.

Khu vực rừng ngập mặn toàn tỉnh có tổng diện tích hơn 110.448 ha, trong đó diện tích có rừng 56.402 ha, không có rừng 54.045,85 ha, nằm trên địa bàn 6 huyện: Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Trần Văn Thời và U Minh. Theo quy hoạch của tỉnh, vùng rừng ngập mặn là khu vực phát triển nuôi tôm sinh thái kết hợp với phát triển bảo vệ rừng.

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển là 254 km, có hệ thống sông rạch lớn (trên 8.000 km) với nhiều cửa thông ra biển, đã hình thành nên khu vực rừng ngập mặn, phèn rộng lớn. 

Cà Mau hiện có tổng diện tích tự nhiên 527.451 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý 143.683 ha, trong đó, đất rừng đặc dụng 20.100 ha, đất rừng phòng hộ hơn 30.900 ha, và đất rừng sản xuất gần 91.680 ha. Ngoài ra, diện tích có rừng tập trung 94.081 ha, đất rừng ngập phèn (rừng U Minh Hạ) 45.172 ha, đất rừng ngập mặn 97.940 ha và đất rừng trên đảo 571 ha. 

Rừng phân bổ tập trung ở khu vực rừng U Minh Hạ nằm trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Khu vực rừng ngập mặn tập trung ở 6 huyện: Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Trần Văn Thời và U Minh. Ngoài ra, còn có rừng cụm đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển) và Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời).