Thành Vũ ·
1 năm trước
 9090

Các chuyên gia ‘hiến kế' hiện thực hóa đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn, đạt 41,7% kế hoạch.

Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là chủ trương rất đúng và nhân văn, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là cần sớm hoàn thiện thể chế chính sách, “mở van” dòng vốn và bố trí quỹ đất linh hoạt.

Trong số đó, các địa phương cần ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả ở đô thị để sớm hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho hàng triệu người thu nhập thấp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Vẫn còn nhiều khó khăn

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay đề án này đã triển khai thực hiện được hơn nửa năm, nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về quá trình thực hiện vừa qua để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp.

Đến nay, pháp luật đã quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp; quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn. Đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.

Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.

Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án. Đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2. Bên cạnh đó các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.

Để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng; hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói: đến thời điểm hiện tại, các văn bản và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã khá hoàn thiện.  Muốn hiện thực hoá đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cần sự chung tay của các cấp chính quyền và hội nghề nghiệp.

Nhiều giải pháp được đề ra

Đứng ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nói, thành phố phấn đấu đến 2025 xây dựng  được 15.000 căn hộ trong đó 80% căn hộ hoàn thành.

Đại diện thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, thành phố sẽ thực hiện giải pháp để xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó tập trung một số giải pháp như lựa chọn và bố trí đất đai trên toàn thành phố, ưu tiên khai thác tối đa sử dụng kém tối đa trong đô thị, các nhà kém chất lượng trong đô thị để xây dựng nhà ở xã hội. Rút ngắn thời gian hành chính, bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Nghiên cứu các chính sách tài chính để đề xuất với thành phố để có chính sách tài chính linh hoạt cho người dân cũng như các chủ đầu tư. Ngăn chặn việc trục lợi chính sách, xoá bỏ tư duy nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là phân khúc thấp, chỉ dành cho người cho yếu thế – ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng để đề án trên “về đích” như kỳ vọng, việc quan trọng là cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

Theo ông Nghĩa, những thủ tục trên mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ và khiến cho quá trình đầu tư bị chậm. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý có chính sách, cơ chế linh hoạt để kịp thời giải quyết được những bất cập hiện nay, qua đó thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhanh hơn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh - ông Nguyễn Tuấn Dũng cũng cho rằng trong thời gian tới, các địa phương cần phải chú trọng, ưu tiên những nguồn lực để đầu tư phát triển các hạ tầng khung, hạ tầng kết nối trong khu đô thị; từ đó làm cơ sở lập quy hoạch cũng như thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề xuất bổ sung các quy định về giá bán nhà ở xã hội phù hợp nhằm hỗ trợ người mua và doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Góp thêm ý kiến, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - ông Hà Quang Hưng nhấn mạnh thời gian tới cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cấp chính quyền; sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thúc đẩy hoàn thành các dự án đang triển khai xây dựng.

Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo nhà chung cư cũ.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6978383405554689/