TM ·
2 năm trước
 4579

Các ngân hàng đồng loạt “siết” tín dụng vào bất động sản?

Tăng trưởng tín dụng bất động sản tính đến tháng 11/2021 tăng 12% so với năm 2020 và chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.

Đó là số liệu được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, các ngân hàng đã bơm thêm hàng chục nghìn tỷ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng trong năm 2021.

Đối với lĩnh vực BĐS nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, NHNN vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện. Còn những BĐS mang tính đầu cơ hoặc thuộc dự án lớn có độ rủi ro cao vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ.

Trong năm 2022, ngân hàng sẽ siết chặt cho vay BĐS?

Trước đây, lĩnh vực xây dựng, BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay của các ngân hàng do tốc độ tăng trưởng nhanh và nhu cầu vốn luôn ở mức cao. Mặc dù vậy, lĩnh vực này luôn chứa đựng nhiều rủi ro, gây nguy cơ mất an toàn hệ thống. Do đó, những năm gần đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã liên tục yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS, xây dựng.

Các ngân hàng đồng loạt “siết” tín dụng vào bất động sản? - Ảnh 1
Vay vốn đổ vào bất động sản sẽ khó trong ngắn hạn. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 18/3/2022, cơ quan này đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, một số ngân hàng đã có văn bản gửi các chi nhánh trực thuộc về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua BĐS. Trong đó, yêu cầu không cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa BĐS để ở.

Các ngân hàng đồng loạt “siết” tín dụng vào bất động sản? - Ảnh 2
Ngân hàng Sacombank tạm dừng cho vay lĩnh vực BĐS.

Tổng giám đốc NH Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch triển khai và điều hành hoạt động cho vay tại đơn vị với nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, Sacombank sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…

Riêng đối với lĩnh vực BĐS, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, qui định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa BĐS để ở.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng tháng 12/2021 của NHNN, các ngân hàng dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh bất động sản. Theo đó, dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực BĐS, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất.

Techcombank và Sacombank đồng loạt “siết” tín dụng vào BĐS

Trước mắt, hai ngân hàng Sacombank và Techcombank sẽ tạm dừng giải ngân vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Techcombank: Lùi giải ngân sang 1/4

Không chỉ Sacombank, Techcombank cũng mới thông báo từ Bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản (chưa hoặc đã có giấy chứng nhận).

Trong thông báo của Techcombank cũng nêu rõ: “Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022”.

Với các khoản vay tạm dừng giải ngân nêu trên, đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay này sang ngày 1/4/2022.

Thông tin từ Techcombank cho biết: “Với các hồ sơ đơn vị kinh doanh đánh giá thực sự ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán, cam kết của khách hàng, đơn vị kinh doanh gửi tổng hợp cho bộ phận Giải pháp phát triển vùng/ miền để tổng hợp. Căn cứ vào số liệu thực tế, Bộ phận Phát triển giải pháp Cho vay sẽ phản hồi cụ thể nếu còn hạn mức giải ngân”.

Sacombank: Dừng đến 30/6

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa có thông báo tới Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Cụ thể, văn bản do Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm ký cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Tổng Giám đốc Sacombank yêu cầu tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực.

Đó là các lĩnh vực: Sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…

Văn bản của Sacombank nhấn mạnh: “Không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/ xây/ sửa bất động sản để ở”.

Được biết, nội dung văn bản này yêu cầu Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch của Sacombank điều hành tín dụng đến ngày 30/6 tới.

Lý giải về quyết định này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin với báo chí, hiện tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank đã cao. Do đó, trong giai đoạn này, Sacombank không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Bà Diễm thông tin: “Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt chúng tôi vẫn thực hiện giải ngân như bình thường”.

Còn Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng, hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng không còn nhiều. Trong khi đó, chưa kết thúc quý 1/2022 nhưng “room” tín dụng của ngân hàng đã gần cạn nên việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.

Không chỉ siết vay vốn, Thông tư 16 mới được NHNN ban hành mới đây và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1 quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào BĐS qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng mới được NHNN thực hiện, các TCTD dự kiến tiếp tục "thắt chặt" mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như "đầu tư kinh doanh chứng khoán", "đầu tư kinh doanh bất động sản" và "sử dụng thẻ tín dụng" trong nửa đầu năm 2022.

“Chúng ta thấy TP.HCM, Hà Nội  đều xây dựng nhà cao giá đến 500 triệu đồng/m2 căn hộ, có căn hộ vài ba chục tỷ đồng và không có căn hộ dưới 2 tỷ. Cùng biệt thự vài chục tỷ cho đến trăm tỷ đồng.

Rồi các tỉnh xây dựng mỗi dự án hàng ngàn hecta với hàng vạn căn hộ nhà phố biệt thự. Những dự án này đều lướt sóng đầu cơ để bán lại đến 90%, rất dễ gây vỡ trận BĐS, mà hậu quả rất nguy hiểm cho doanh nghiệp, người đầu tư và NH.

Vì thế cần thiết phải có nhiều phương cách giảm tối đa việc đầu tư phiêu lưu nguy hiểm quá này. Trong đó siết chặt điều kiện cho vay BĐS là yếu tố quan trọng”, chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực chia sẻ.

Bùi Hằng

Nguồn: Kinh tế Môi trường