PN ·
2 năm trước
 3647

Các nước giàu cần chấm dứt hoạt động sản xuất dầu mỏ

Các nước nghèo như Nam Sudan, CH Congo, Gabon... có rất ít nguồn thu khác ngoài dầu mỏ và khí đốt, trong khi các quốc gia giàu có như Mỹ sẽ vẫn ổn thỏa nếu không còn nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.

Đến năm 2034, các nước giàu phải chấm dứt sản xuất khí đốt và dầu mỏ mới có thể kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C, đồng thời tạo điều kiện cho các nước nghèo hơn có thời gian hay thế nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.

(Ảnh minh họa)

Nhận định này được đưa ra trong báo cáo do Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall thực hiện và công bố ngày 22/3.

Theo báo cáo phân tích dài 70 trang, một số quốc gia nghèo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ về sản lượng toàn cầu song phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ nguyên liệu hóa thạch đến mức việc loại bỏ nhanh chóng nguồn thu nhập này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và kinh tế.

Các quốc gia như Nam Sudan, Cộng hòa Congo hay Gabon có rất ít nguồn thu khác ngoài dầu mỏ và khí đốt.

Trong đó, ngược lại, các quốc gia giàu có lại là những nhà sản xuất lớn, vẫn ổn thỏa nếu không còn nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo chỉ rõ nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ chiếm 8% GDP của Mỹ. Nếu không còn khoản thu này, GDP trung bình đầu người của nước này vẫn được duy trì ở mức khoảng 60.000 USD, cao thứ hai trong số các nước sản xuất khí đốt và dầu mỏ.

Tiến sĩ Dan Calverley cho biết: “Thời gian để chúng ta giới hạn mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C còn lại rất ít. Mặc dù lộ trình này cho các quốc gia nghèo hơn nhiều thời gian hơn để loại bỏ dần sản lượng dầu và khí đốt, nhưng họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mất thu nhập. Một quá trình chuyển dịch công bằng sẽ đòi hỏi mức hỗ trợ tài chính đáng kể cho các nước sản xuất dầu khí nghèo hơn, để họ có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của mình trong khi chuyển sang các nền kinh tế phát thải ít các-bon, và đối phó với các tác động ngày càng tăng của khí hậu”.

Báo cáo cũng đưa ra một kịch bản tham vọng hơn với 67% khả năng đáp ứng mục tiêu giữ mức nhiệt ở 1,5°C. Kịch bản này đòi hỏi các nước giàu nhất phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2031 và vào năm 2042 đối với các nước nghèo nhất.

Trong một kịch bản ít tham vọng hơn, với 50% khả năng đạt mức tăng nhiệt độ 1,7°C - phản ánh đúng mục tiêu “mức tăng nhiệt dưới 2 độ" - các nước giàu nhất sẽ phải giảm một nửa sản lượng dầu và khí đốt vào năm 2035 và chấm dứt sản xuất vào năm 2045. Các nước nghèo nhất sẽ có thời gian cho đến năm 2062 để loại bỏ tất cả các hoạt động sản xuất, nhưng vẫn sẽ không có chỗ cho việc sản xuất thêm dầu và khí đốt.

Để có 50% cơ hội hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên mức 1,5°C, báo cáo chỉ ra rằng:

• 19 quốc gia có Năng lực tốt nhất, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ (GDP/đầu người) trên 50.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2034, với mức cắt giảm 74% vào năm 2030. Nhóm này sản xuất 35% lượng dầu và khí đốt toàn cầu và bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy, Canada, Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

• 14 quốc gia có Năng lực tốt, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ là gần 28.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2039, với mức cắt giảm 43% vào năm 2030. Nhóm này sản xuất 30% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Ả Rập Xê Út, Kuwait và Kazakhstan.

• 11 quốc gia có Năng lực trung bình, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ 17.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2043, với mức cắt giảm 28% vào năm 2030. Các quốc gia này sản xuất 11% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, Brazil và Mexico.

• 19 quốc gia có Năng lực thấp với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ là 10.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2045, với mức cắt giảm 18% vào năm 2030. Các quốc gia này sản xuất 13% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Indonesia, Iran và Ai Cập.

• 25 quốc gia có Năng lực thấp nhất, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ là 3.600 đô la, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2050 với mức cắt giảm 14% vào năm 2030. Các quốc gia này sản xuất 11% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Iraq, Libya, Angola và Nam Sudan.