Biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến, nhanh chóng và ngày càng gia tăng, theo xu hướng hiện không thể đảo ngược, ít nhất là trong khung thời gian hiện tại. Do đó, các quốc đảo trên khắp thế giới đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của thảm họa, thậm chí biến mất khỏi bản đồ thế giới khi mực nước biển dâng cao.
Trước đó, báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc được công bố ngày 9/8 cảnh báo các hoạt động của con người đang gây hại cho Trái Đất ở tốc độ báo động. Đồng thời, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến mọi khu vực của thế giới và nếu con người không hành động khẩn cấp để hạn chế sự ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng, mưa lớn, hạn hán, hay hiện tượng tan chảy băng ở Bắc Cực… sẽ gia tăng.
Theo Liên minh 39 quốc gia duyên hải và có địa hình trũng nhận định, báo cáo của IPCC là lời cảnh báo quan trọng với thế giới và kêu gọi các nước giàu làm tất cả có thể để đạt mục tiêu nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C.
Nhiều ngôi nhà ở phía đầm phá của làng Eita (Kiribati) bị cô lập do nước muối từ biển xâm nhập và bão lớn. (Ảnh: Báo TN&MT)
Bà Diann Black - Layne, nhà đàm phán của Liên minh Quốc đảo nhỏ phát biểu trong một tuyên bố ngày 9/8: “Chúng ta phải thay đổi điều này. IPCC xác nhận những gì mà các quốc đảo nhỏ phải trải qua: bão sẽ mạnh hơn, mực nước biển sẽ tăng, nhưng IPCC cũng xác nhận chúng ta có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất”.
Bà Black - Layne nhấn mạnh, "giữ cho nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C thay vì 2 độ C như mục tiêu trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris sẽ tránh kịch bản nước biển tăng 3m về lâu dài. Đó là tương lai của chính chúng ta”.
Dự báo mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao, khiến các nước ven biển chịu rủi ro lũ lụt và bị tàn phá. Nguyên nhân là do nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1970 so với bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm qua. Đáng chú ý, nhiệt độ trong thập kỷ gần đây nhất (2011 – 2020) vượt quá nhiệt độ của thời kỳ ấm áp trong nhiều thế kỷ gần đây nhất, khoảng 6.500 năm trước. Trong khi đó, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900, hơn bất kỳ thế kỷ trước đó trong ít nhất 3.000 năm qua.
Liên minh Quốc đảo nhỏ đại diện cho các quốc gia khắp thế giới, trong đó có Singapore, Seychelles, Fiji, Papua New Guinea, CH Dominica, Cuba, Bahamas và Belize.
Trong đó, Quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương đã có kế hoạch nâng các hòn đảo lên trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kiribati gồm 3 quần đảo thấp mà khi cao nhất cũng chỉ hơn mực nước biển 1,8 m. Chỉ cần nước biển dâng 0,9 m sẽ có thể nhấn chìm 2/3 diện tích Kiribati vào cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, Maldives là một trong những quốc gia thấp nhất thế giới. Nhiều năm qua, Tổng thống Mohamed Nasheed đã kêu gọi hành động vì khí hậu và cho rằng tình hình không thể tệ hơn.
“Báo cáo là tin tức hủy diệt với phần lớn những quốc gia dễ bị tổn thương trước khí hậu nhất như Maldives. Báo cáo cho thấy chúng ta đang trên bờ diệt vong… Các quốc gia chúng ta đã bị thời tiết cực đoan vùi dập”.
Tuy nhiên, IPCC cũng nhấn mạnh rằng việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu sẽ trở thành vấn đề cấp bách, cần có hành động ngay từ bây giờ để đưa mức khí thải ròng về bằng 0 trong giữa thế kỷ này. Điều này sẽ mang lại cơ hội tốt để ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C và giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo cáo được công bố chưa đầy 3 tháng trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Đây được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để nhân loại có thể hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.