TM ·
2 năm trước
 6003

Cam kết để thay đổi, bảo vệ đại dương trước khủng hoảng khí hậu

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Một Đại dương được tổ chức mới đây tại thị trấn Brest (Pháp), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres thông tin, hành tinh hiện đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng gồm gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm; vàQ cảnh báo: đại dương đang chịu nhiều gánh nặng.

Đại dương đóng vai trò là một khối carbon và tản nhiệt khổng lồ nên nó ngày càng ấm hơn và có tính axit hơn khi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tăng cao, khiến các hệ sinh thái của đại dương bị ảnh hưởng. Người đứng đầu LHQ, thông qua video gửi tới hội nghị đã nhấn mạnh thông điệp, băng ở các vùng cực đang tan chảy và các mô hình thời tiết toàn cầu đang thay đổi.

Đối với đại dương, cần tuân thủ luật pháp

Theo ông Guterres, hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào đa dạng sinh học biển và ven biển để kiếm sống. Tổng Thư ký LHQ đã vẽ ra bức tranh ảm đạm về các loài sinh vật biển đang suy giảm dần; rạn san hô chết; các hệ sinh thái ven biển bị biến thành “vùng chết rộng lớn” vì chúng được coi là bãi chứa nước thải; biển bị bóp nghẹt bởi rác thải nhựa…

Bên cạnh đó, nguồn cá đang bị đe dọa bởi các hoạt động đánh bắt quá mức và mang tính hủy diệt, cùng với việc đánh bắt bất hợp pháp và không được kiểm soát. Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi chiến thuật để giải quyết tình trạng này”.

Tính đến thời điểm này, đã 40 năm kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được ký kết. Ông Guterres cho biết: “Tầm quan trọng của sự chắc chắn về mặt pháp lý đối với đại dương là điều tối quan trọng”. Ông khẳng định, Hội nghị Đại dương của LHQ lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha từ ngày 27/6 đến ngày 1/7/2022, là cơ hội để củng cố vai trò của đại dương trong các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các giải pháp cần dựa vào thiên nhiên

Có khoảng 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển, theo ông Guterres, ngành vận tải hàng hải chiếm gần 3% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Vì vậy, “Ngành vận tải biển cần cắt giảm 45% lượng khí thải cần thiết vào năm 2030 và không phát thải vào năm 2050, trong nỗ lực duy trì hy vọng là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C”, người đứng đầu LHQ nêu rõ.

Bước đột phá về thích ứng và khả năng phục hồi cho các cộng đồng ven biển có cuộc sống, nhà cửa và sinh kế đang gặp rủi ro cũng là điều cấp thiết. Ông Guterres nói thêm: “Chúng ta phải tận dụng các cơ hội với các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như rừng ngập mặn và cỏ biển”.

Mục tiêu hướng tới kinh tế biển xanh

Ông António Guterres nhấn mạnh, “Cần phải tăng cường các nỗ lực để bảo vệ đại dương. Nền kinh tế xanh bền vững có thể thúc đẩy tiến bộ kinh tế và tạo việc làm, đồng thời bảo vệ khí hậu. Chúng ta cần các quan hệ đối tác hiệu quả hơn để giải quyết các nguồn ô nhiễm ở biển xuất phát từ đất liền…”.

Đồng thời, ông cũng hoan nghênh “các bước đi đáng khích lệ” của một số quốc gia, trong đó có Pháp, nhằm chấm dứt đồ nhựa sử dụng một lần và kêu gọi các nước khác làm theo. Ông cũng cho rằng, sự cấp thiết trong việc triển khai năng lượng tái tạo ngoài khơi nhằm cung cấp năng lượng sạch và việc làm, đảm bảo cho một nền kinh tế đại dương tiêu thụ ít nhiên liệu hóa thạch hơn trong tương lai.

Tổng Thư ký LHQ nêu lên sự cần thiết của các mối quan hệ đối tác và đầu tư toàn cầu cùng với việc tăng cường hỗ trợ cho khoa học đại dương để chúng ta có thể hành động dựa trên kiến thức và hiểu biết về đại dương.

Trong suốt Thập kỷ khoa học đại dương của LHQ về phát triển bền vững (2021-2030), ông Guterres khuyến khích các công dân có liên quan ở khắp mọi nơi thực hiện lời cam kết chung về một hành tinh xanh khỏe mạnh cho các thế hệ tương lai.