Tạ Nhị ·
2 năm trước
 2024

Cần có lộ trình hợp lý áp dụng xử phạt không phân loại rác thải

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xử phạt các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là cần thiết nhưng phải có lộ trình và đúng thời điểm.

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký, ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Cụ thể, theo khoản 1 điều 26 Nghị định 45/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 1 điều 75 luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Đây là quy định mới và quy định hiện hành không quy định xử phạt về hành vi này…

Trước thông tin này, nhiều luồng ý kiến bày tỏ lo ngại việc người dân, hộ gia đình sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Thực tế, Nghị định 45 quy định xử phạt hành vi “không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định” nhưng hiện vẫn chưa có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn thực hiện theo quy định trong Luật bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan. Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương trên cả nước phải thực hiện phân loại tại nguồn. Luật "cho" thời gian 3 năm để triển khai áp dụng chế tài trên. Thời điểm phân loại rác tại nguồn cụ thể tại từng tỉnh/thành phố sẽ do UBND tỉnh quyết định.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xử phạt là cần thiết nhưng phải có lộ trình và đúng thời điểm.

Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xử phạt là cần thiết nhưng phải có lộ trình và đúng thời điểm.

"Như vậy, đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính", đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường lưu ý.

Cũng giống như Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Theo quy định của luật, ủy ban nhân dân cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi bộ này ban hành hướng dẫn thì các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này. Khi các địa phương ban hành quyết định thời điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn thì chế tài với hành vi không phân loại rác tại nguồn sẽ áp dụng.

Ngoài việc xử phạt người dân, hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn, Nghị định 45 cũng quy định phạt tiền 20-25 triệu đồng với hành vi không phân loại tại nguồn với chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư tập trung cũng bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.

Được biết, quy định phân loại rác tại nguồn đã có từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn do sự thiếu đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn như các hộ dân phải mua bao bì chuyên dụng để đựng rác và phân loại rác, thực hiện theo nguyên tắc người xả rác nhiều phải trả nhiều tiền, áp dụng xử phạt nguội với hành vi không phân loại rác tại nguồn hay vứt rác bừa bãi. Luật cũng quy định việc rác thải được phân làm 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt… Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Đến năm 2030, Việt Nam có tới 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt cần phải xử lý. Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Những ích lợi đó có lẽ không cần phải nói nhiều thêm nữa, mà giờ là lúc thúc đẩy nhận thức thành hành động cụ thể, quyết liệt, cả từ phía chính quyền và người dân. Chúng ta có nhiều chỉ số tự hào với thế giới trong phát triển Internet, công nghệ blockchain, văn hóa, du lịch… nhưng lại cũng trong nhóm đầu thế giới về mức độ phát sinh rác thải nhựa và gây ô nhiễm đại dương. Đó quả là điều phải trăn trở, suy ngẫm.

Nguồn: kinh tế Môi trường