Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature cho thấy, tình trạng băng tan ở Greenland và Nam Cực cũng như sự nóng lên toàn cầu đã làm quá trình quay của Trái Đất chậm lại một chút và có thể tác động đến cách con người theo dõi thời gian.
Mặc dù sự tan băng đã làm giảm tốc độ quay của hành tinh nhưng Trái Đất vẫn quay nhanh hơn một chút so với trước đây.
Được biết, nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc đưa giây nhuận - vốn để giúp đồng bộ hóa chuyền động của Trái Đất với đồng hồ tự động - vào thời gian tiêu chuẩn có thể gây ra sự nhiễu loạn đối với các hệ thống máy tính trên toàn thế giới.
Kể từ năm 1972, 27 giây nhuận dương đã được khéo léo thêm vào múi giờ chuẩn quốc tế (UTC) và lần gần đây nhất vào năm 2016.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)
Trong những năm gần đây, vòng quay của Trái Đất đang ngày càng tăng tốc độ hơn, vượt qua thời gian tiêu chuẩn. Vì vậy, để đồng bộ hóa 2 phép đo thời gian, các nhà khoa học đã cân nhắc đến việc phải chèn thêm giây nhuận âm đầu tiên trong lịch sử.
Tác giả nghiên cứu, Duncan Agnew từ Đại học California nhận định đây là hiện tượng chưa từng xảy ra. Ông cũng đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo tất cả các bộ phận của công việc tính toán thời gian toàn cầu đều phải hiển thị cùng một lúc. Và nếu nó xảy ra thật, nhiều chương trình máy tính tính thời gian buộc phải được viết lại và bổ sung khái niệm giây nhuận âm.
Khi nghiên cứu tốc độ quay của Trái Đất ảnh hưởng tới cách đo thời gian, ông Agnew khẳng định nếu không có biến đổi khí hậu, có thể giây nhuận âm sẽ phải được thêm vào UTC ngay sau năm 2026.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy kể từ năm 1990, tình trạng băng tan ở Greenland và Nam Cực cũng như sự nóng lên toàn cầu đã làm chậm lại quá trình quay của Trái Đất, từ đó làm hoãn nhu cầu bổ sung giây nhuận âm cho đến ít nhất là năm 2029.
Năm 2022, giới chuyên môn liên quan đến lĩnh vực đo thời gian đã đồng ý loại bỏ khái niệm giây nhuận vào năm 2035, thay vào đó mở rộng chênh lệch cho phép giữa hai cách đo thời gian lên một phút.
Ông Agnew đồng tình với kế hoạch này, cho rằng việc chênh lệch quá một phút nhuận âm là rất khó có thể xảy ra. Ông hy vọng với nghiên cứu của mình, giới chuyên gia trên thế giới có thể cân nhắc việc bỏ giây nhuận sớm hơn - trước thời hạn năm 2035.