PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến ·
3 năm trước
 1127

Cấp bách an ninh nguồn nước

Là một trong những quốc gia hứng chịu tác động bất lợi lớn nhất từ biến đổi khí hậu (BÐKH) và nước biển dâng, Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức đe dọa an ninh nguồn nước.

Thể chế hóa quản lý nguồn nước, xây dựng quy hoạch sử dụng nước, đi đôi với thu hút đầu tư cho hạ tầng thủy lợi... là những giải pháp quan trọng để chúng ta xoay chuyển tình thế trước khi nhiều vùng miền trở thành “đất chết”.

Gia tăng thách thức

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước ngầm dưới đất, với gần 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 109 sông chính, 126 con sông từ nước ngoài chảy vào, 76 con sông từ trong nước chảy ra nước ngoài và bốn con sông chảy vào sau đó chảy ra khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên, phân bố nguồn nước không đồng đều trong lãnh thổ đang dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước cho các mục đích phát triển rất khó khăn.

Song hiện nay nguồn nước mặt nước ta phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, với 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ. Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ có tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta, và dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó tài nguyên nước nước ta phân bố không đều theo không gian và thời gian: Phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía bắc đến TP Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số, hơn 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. 60% lượng nước còn lại là ở vùng ÐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn. Thêm nữa, tác động của BÐKH cũng góp phần làm cho tình trạng phân bố này bất cập hơn. Từ cuối năm 2019 đến nay, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công bị thiếu hụt. Mực nước thấp không có khả năng đẩy mặn dẫn đến mặn trên sông xuất hiện sớm và xâm nhập sâu về phía thượng lưu có nơi vào sâu hơn 70 - 80 km và độ mặn cũng cao hơn mọi năm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại những nơi chưa có các công trình cấp nước tập trung.

Ðáng nói, một trong những thách thức tới an ninh nguồn nước còn có nguyên nhân từ con người. Sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông làm cho bài toán bảo đảm cung cấp nước sạch cho dân cư đô thị và nông thôn càng nan giải. Nguồn cấp nước cho các đô thị như tại Hà Nội, khu vực ÐBSCL vẫn chủ yếu là nguồn nước ngầm. Tại Hà Nội, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức trong nhiều năm dẫn đến tình trạng suy thoái các giếng khoan khai thác, cụ thể là suy giảm về trữ lượng và ô nhiễm nguồn nước. Tại ÐBSCL, tổng công suất khai thác nước ngầm khoảng 335.000m3/ngày đêm. Tại một số nhà máy nước của các thành phố như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… vẫn sử dụng nguồn nước ngầm là chủ yếu, hiện tượng xâm nhập mặn và ô nhiễm cũng đã và đang ảnh hưởng đến nguồn này trong thời gian qua.

Dòng nước mát lành. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Thể chế hóa quản lý nguồn nước

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NÐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-5 tới, quy định cụ thể các căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo mục đích sử dụng nước nhằm góp phần điều tiết, bảo đảm chất lượng, an ninh nguồn nước.

Muốn quản lý tốt nguồn nước, cần đồng thời tập trung giám sát và bảo vệ nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước cũng như khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở các đô thị vùng ÐBSCL… Cụ thể hóa các giải pháp này, theo Ðiều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2030 dự kiến tổng lượng nhu cầu dùng nước của toàn thành phố đạt 2,882 triệu m3/ngày đêm và khoảng 3,633 triệu m3/ngày đêm vào năm 2050. Trong đó tổng trữ lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn Hà Nội để cấp cho khu vực đô thị và nông thôn giai đoạn 2030 và 2050 chỉ nên giới hạn khoảng 600.000 m3/ngày đêm, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại các bãi giếng có hàm lượng amini và độ nhiễm bẩn hữu cơ cao. Thêm nữa, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt từ sông Hồng, sông Ðà, sông Ðuống, sông Lô vì có trữ lượng lớn và chất lượng bảo đảm về nguồn cấp nước thô dài hạn… Tương tự, Quy hoạch cấp nước vùng ÐBSCL đã xác định cần phải rà soát đánh giá trữ lượng nguồn nước ngầm cũng như khả năng khai thác theo từng tỉnh, từng bước giảm khai thác với quy mô vừa và lớn đối với một số khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi…, xây dựng hệ thống cấp nước mang tính liên vùng, liên tỉnh…

Nhằm kéo giảm tác động của BÐKH, việc xây dựng và sử dụng hồ trữ nước mặt đa mục tiêu và các công trình ngăn mặn, xả lũ thông qua các công trình thủy lợi tại nhiều địa phương là rất cần thiết. Ði cùng đó là nghiên cứu sớm xây dựng các tuyến truyền dẫn từ sông Tiền, sông Hậu cung cấp nước thô cho các đô thị, khu dân cư tại các vùng bắc sông Tiền và Tây Nam sông Hậu…

Thiết nghĩ, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành các công trình thủy lợi trọng điểm, đầu tư phát triển hệ thống nước sạch nông thôn, công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực, xử lý các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và vùng hạ du đập. Phía các địa phương cần rà soát, xây dựng phương án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước vào quy hoạch tổng thể của địa phương.

Các giải pháp hiệu quả sẽ làm giảm tác động của BÐKH, bảo đảm an ninh nguồn nước, giải quyết các vấn đề có liên quan đến cấp nước sinh hoạt và sản xuất, cũng là góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.

Nguồn