TM ·
2 năm trước
 6661

Cây Joshua - loài thực vật đã sống qua 2,5 triệu năm có nguy cơ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21 vì biến đổi khí hậu

Vườn quốc gia Joshua Tree tọa lạc tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1994. Phần lớn diện tích của Vườn quốc gia Joshua Tree được bao gồm bởi 2 sa mạc Mojave và Colorado. Cái tên Joshua Tree được lấy từ tên của một loài cây phổ biến tại khu vực sa mạc Mojave - cây Joshua, hay còn có tên khoa học là Yucca brevifolia.

Cây Joshua là một loại thực vật kì lạ, thuộc họ Măng tây. Đã có thời gian chúng được cân nhắc như là một thành viên khổng lồ thuộc họ Loa kèn, nhưng những đặc điểm của chúng có nhiều điểm tương đồng với họ Măng tây hơn.

Ảnh: Pinterest

Chúng xuất hiện từ kỷ nguyên Pleistocen - kỷ nguyên đầu tiên mà người Homo sapiens tiến hóa. Đây cũng là thời kỳ Trái Đất được thống trị bởi các loài động vật có vú to lớn như voi ma mút hay lười đất khổng lồ.

Cây Joshua phát triển rất chậm nhưng lại có sức sống mãnh liệt với tuổi thọ thông thường là 150 năm. Khác với những loài cây khác, cây Joshua chỉ được thụ phấn bởi duy nhất loài bướm đêm Yucca. Vì hoa của nó không có mật nên những loài côn trùng khác sẽ không tìm đến nó để kiếm ăn, bướm đêm Yucca cũng vậy, nhưng loài bướm này sẽ dùng hạt phấn của hoa Joshua để bọc lấy những quả trứng non và gửi những bọc phấn đó vào một bông hoa Joshua khác, chờ đến ngày nở thành con non.

Quá trình đó khiến bướm đêm Yucca vô tình thụ phấn cho cây và giúp cây Joshua duy trì các thế hệ sau. Khi ấu trùng bướm Yucca nở ra, chúng sẽ ăn các hạt cây Joshua để lớn lên và tiếp tục vòng đời. Những quả Joshua còn lại sẽ rơi xuống đất hoặc phát tán, mọc thành cây con. Tuy nhiên đây không phải là một loài cây thường niên. Để một hạt Joshua nảy mầm cần có những cơn mưa đến đúng thời điểm. Mỗi cây Joshua non chỉ mọc duy nhất một ngọn. Chỉ khi trưởng thành sắp trổ bông chúng mới rẽ nhánh hoặc khi ngọn chính bị hư hại, chúng sẽ rẽ nhánh sớm hơn để thay thế.

Trong 5 năm đầu tiên, tốc độ phát triển của cây Joshua khá nhanh nhưng sẽ ngày càng chậm vào những năm tiếp theo. Từ khoảng năm thứ 5 đến năm thứ 10, mỗi năm chúng sẽ phát triển thêm khoảng 7cm, nhưng từ năm thứ 10 trở đi chỉ tăng thêm chừng 3cm mỗi năm. Cây Joshua cao nhất hiện nay là 40 feet (~12m).

Ảnh: Pinterest

Một điều đặc biệt khác của loài cây này là nó không có vòng tính tuổi. Người ta không thể tính tuổi của nó bằng các phương pháp được dùng với những loài cây thân gỗ như thông, mà phải dựa vào chiều cao để dự đoán. Thông thường, một cây Joshua được dự đoán có tuổi thọ khoảng 150 năm, nhưng thực tế có thể hơn.

Con người vào thời xa xưa đã từng dựa vào cây Joshua để sinh tồn. Những chiếc lá cứng cáp được dùng để đan dép hoặc giỏ, thân cây làm rào chắn và nụ hoa cùng hạt là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho người dân bản địa. Và họ gọi chúng với cái tên “hunuvat chiy’a” hoặc “humwichawa” theo ngôn ngữ địa phương.

Mãi cho đến giữa thế kỉ 19, những người Mormon nhập cư đến đã đặt cho chúng cái tên Joshua theo như tên một nhân vật trong Kinh Thánh, vì họ nghĩ rằng những tán cây của chúng như những bàn tay đang dang ra cầu xin và chỉ dẫn cho họ đi về hướng Tây.

Ngày nay, cây Joshua vẫn là ngôi nhà an toàn cho rất nhiều loài sinh vật dưới thời tiết khắc nghiệt của sa mạc như chim, côn trùng hay thằn lằn.

Mặc dù đã vượt qua thời kỳ kỷ băng hà để tiếp tục tồn tại trên Trái Đất suốt 2,5 triệu năm qua, nhưng ngày nay, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo cây Joshua có nguy cơ tuyệt chủng thực sự vào cuối thế kỷ này vì biến đổi khí hậu.

Do quá trình phát triển chậm, những cây Joshua phải mất đến 60 năm mới thực sự trưởng thành. Tuy cây trưởng thành có rễ ăn sâu và khả năng đâm chồi từ cành và rễ sẽ giúp chúng hồi phục lại nhanh chóng sau lũ lụt hoặc hỏa hoạn, nhưng những cây non trước 60 tuổi lại không làm được như vậy.

Việc khó nảy mầm, quá trình trưởng thành quá dài và với số lượng cây còn lại ít ỏi như hiện nay, nguy cơ loài cây này tuyệt chủng trước khi những cây con còn lại kịp trưởng thành là điều khó có thể tránh khỏi.