Đinh Hà ·
3 năm trước
 3265

Châu Âu: Biến đổi khí hậu gia tăng khả năng lũ lụt từ 1,2 đến 9 lần

Theo một nghiên cứu nhanh công bố hôm 24/8 của một nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế cho biết, khu vực Tây và Trung Âu sẽ phải hứng chịu tình trạng mưa lớn cực đoan và lũ lụt ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Ngày 24/8, một nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế đã công bố một nghiên cứu, cho biết biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng mưa lớn cực đoan, tương tự như những trận lũ lụt tháng trước ở Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, có khả năng xảy ra cao hơn từ 1,2 đến 9 lần. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những trận mưa như vậy trong khu vực hiện lớn hơn 3-19% do sự ấm lên của trái đất do con người gây ra.

Kết quả này đã củng cố kết luận báo cáo lớn của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Báo cáo của IPCC cho biết hiện có bằng chứng rõ ràng rằng con người đang làm khí hậu trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi khiến thời tiết khắc nghiệt hơn.

Báo cáo cũng cho thấy, khi nhiệt độ tăng, khu vực Tây và Trung Âu sẽ phải hứng chịu tình trạng mưa lớn cực đoan và lũ lụt ngày càng nhiều.

Lũ lụt tại Đức ngày 15/7.

Lũ lụt tại Đức ngày 15/7. (Ảnh minh hoạ)

Trong năm nay, lượng mưa lớn đã ảnh hưởng đến các khu vực của Tây Âu từ ngày 12-15/7, trong một ngày lượng mưa đổ xuống khu vực sông Ahr và Erft ở Đức là khoảng hơn 90mm, lớn hơn nhiều so với các kỷ lục trước đó. Các trận lũ lụt đã làm chết ít nhất 220 người ở Bỉ và Đức.

Để xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với lượng mưa lớn gây ra lũ lụt, các nhà khoa học đã phân tích các báo cáo thời tiết và mô phỏng trên máy tính để thực hiện phép so sánh cho tình trạng khí hậu ngày nay, sau khi trái đất nóng lên khoảng 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800 và khí hậu trung bình các thời kỳ khác nhau trong quá khứ.

Nghiên cứu tập trung vào lượng mưa rất lớn gây ra lũ lụt ở hai khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt là khu vực Ahr và Erft của Đức, nơi lượng mưa trung bình là 93mm trong một ngày và khu vực Meuse của Bỉ, nơi có lượng mưa 106mm trong hai ngày.

Trong khi các nhà khoa học nhận thấy xu hướng gia tăng lượng mưa lớn ở những khu vực nhỏ này, thì cũng có nhiều biến động trong tình trạng mưa cục bộ từ năm này qua năm khác. Để đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ một khu vực rộng lớn hơn và phân tích khả năng xảy ta tình trạng mưa lớn cực đoan tương tự tại một nơi bất kỳ của Tây Âu, bao gồm miền đông nước Pháp, miền tây nước Đức, miền đông nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và miền bắc Thụy Sĩ, bên cạnh đó họ cũng phân tích xem lượng mưa lớn cực đoan đã bị ảnh hưởng như thế nào khi nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng.

Các hiện tượng tương tự có thể xảy ra tại bất kỳ khu vực nào của Tây Âu khoảng 400 năm/lần trong điều kiện khí hậu hiện tại, điều này nghĩa là, trong cùng khung thời gian đó, một số sự kiện như vậy có khả năng xảy ra trên toàn khu vực rộng lớn. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng nhiều và nhiệt độ tiếp tục tăng, tình trạng mưa lớn như vậy sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Thiệt hại nặng nề về kinh tế và con người do những trận lũ lụt này là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Và quan trọng nhất ở hiện tại là chúng ta cần khẩn trương giảm phát thải khí nhà kính để kiểm soát và tránh những rủi ro này.

Nghiên cứu được thực hiện bởi 39 nhà khoa học của tổ chức World Weather Attribution, bao gồm các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng thủy văn ở Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Hoa Kỳ và Anh.

Giáo sư Maarten van Aalst, khoa Ứng phó với Khí hậu và Thảm họa tại Đại học Twente, Giám đốc, Trung tâm Khí hậu Trăng Lưỡi Liềm Đỏ thuộc Hội Chữ thập đỏ: “Các mô hình khí hậu hiện đại của chúng tôi cho thấy sự gia tăng từ từ của các hiện tượng mưa lớn cực đoan trong tương lai khi trái đất nóng hơn. Hiện tượng này cho thấy rõ ràng rằng, nhiều xã hội không đủ sức chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Chúng ta phải giảm phát thải khí nhà kính càng nhanh càng tốt, cũng như cải thiện hệ thống quản lý và cảnh báo khẩn cấp, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng của chúng ta có thể "thích ứng với khí hậu", nhằm giảm thương vong và thiệt hại, đồng thời giúp chúng có khả năng chống chọi tốt hơn với những trận lũ lụt khắc nghiệt này".

Tiến sĩ Sarah Kew, Nhà nghiên cứu khí hậu, Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI): “Sự kiện này một lần nữa chứng minh rằng vào năm 2021, các hiện tượng thời tiết cực đoan kỷ lục được quan sát cho đến nay đã trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, và chúng có thể xảy ra tại bất cứ nơi nào, gây ra thiệt hại lớn vể người và của. Các nhà chức trách địa phương và quốc gia của các nước Tây Âu cần nhận thức được những rủi ro ngày càng tăng từ lượng mưa lớn cực đoạn, để chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai”.

Tiến sĩ Frank Kreienkamp, Trưởng Văn phòng Khí hậu Khu vực Potsdam, Deutscher Wetterdienst (Cơ quan thời tiết của Đức): “Những trận lũ lụt này đã cho chúng ta thấy rằng, ngay cả các nước phát triển cũng không an toàn trước những tác động nghiêm trọng của thời tiết khắc nghiệt, và ta biết biết rằng tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức cấp bách toàn cầu và chúng ta cần phải vượt qua nó. Giới khoa học đã chỉ rõ và các bằng chứng đã tồn tại trong nhiều năm”.

Tiến sĩ Friederike Otto, Phó Giám đốc Viện Thay đổi Môi trường, Đại học Oxford: “Chúng tôi đã kết hợp kiến thức của các chuyên gia từ một số lĩnh vực nghiên cứu để hiểu rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với trận lũ lụt khủng khiếp vào tháng trước, và để làm rõ những gì chúng tôi có thể và không thể phân tích trong sự kiện này. Rất khó để phân tích ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với lượng mưa lớn ở quy mô địa phương, nhưng chúng tôi có thể chỉ ra rằng ở Tây Âu, phát thải khí nhà kính đã làm cho các sự kiện như thế này dễ xảy ra hơn”.

Nguồn