TM ·
2 năm trước
 4590

Chỉ số tia cực tím Nha Trang, Cà Mau và Cần Thơ ở mức nguy hiểm

Ngày 13/4, chỉ số tia cực tím (UV) cao nhất tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở ngưỡng cao đến rất cao (7.4 - 10.5), đặc biệt Nha Trang (Khánh Hòa), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Cần Thơ có thời điểm ở mức nguy hiểm (10.6 - 10.7).

Chỉ số tia cực tím ở Nha Trang, Cà Mau, Cần Thơ ở mức nguy hiểm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 13/4, chỉ số tia cực tím (UV) cao nhất tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở ngưỡng cao đến rất cao (7.4 - 10.5), đặc biệt Nha Trang (Khánh Hòa), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Cần Thơ có thời điểm ở mức nguy hiểm (10.6 - 10.7).

Riêng Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất trên cả nước có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại trung bình đến cao (4.2 - 7.2).

Cụ thể, ngày 13/4, chỉ số này tại Huế (Thừa Thiên-Huế) đạt 10.1; Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) đạt 10.1-10.3, gây hại rất cao lúc 12 giờ. Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đạt 10.7, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đạt từ 10.5-10.6, gây hại rất cao lúc 11-13 giờ.

Dự báo từ ngày 14-16/4, chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng tại khu vực Bắc Bộ ở ngưỡng rất cao (9 - 10) trong ngày 14/4 và giảm xuống trung bình ở 2 ngày (15 và 16/4). Khu vực Trung Bộ và Nam Bộ chủ yếu duy trì chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng ở mức nguy gây hại rất cao (8 - 11).

Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định: Từ 3-6 là trung bình, 6-8 là cao; từ 8-10 là rất cao, có thể gây bỏng nếu tiếp xúc trực tiếp trong 25 phút. Chỉ số từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da, gây bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh với nắng mặt trời liên tục trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Theo các chuyên gia, tia cực tím là loại tia mà con người vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tia cực tím nằm trong ánh sáng mặt trời, bất cứ lúc nào có ánh sáng mặt trời đều có tia cực tím và chỉ khác nhau về bước sóng.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím như đeo kính mắt có tác dụng chống tia cực tím, đội mũ, mặc quần áo chống nắng, hạn chế ra nắng giờ cao điểm, sử dụng kem chống nắng có quang phổ rộng, nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ và dùng ngay cả khi trời nhiều mây hoặc mưa.

Chỉ số tia cực tím Nha Trang, Cà Mau và Cần Thơ ở mức nguy hiểm - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Tia cực tím mức nguy hại rất cao sẽ gây ra nguy cơ gì?

Cháy da

Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng thì tình trạng thường gặp nhất là bị sạm da, đen da. Chỉ khoảng hai ngày tiếp xúc liên tục với ánh mặt trời là bạn sẽ thấy vùng da bị phơi nắng sậm hơn các vùng da còn lại. Sắc tố da sẽ tiếp tục đậm lên nếu quá trình ra nắng tiếp tục trong khoảng thời gian vài tuần hay vài tháng.

Tuy nhiên, nếu như ánh nắng mặt trời quá gay gắt sẽ gây ra hiện tượng cháy nắng. Đó là lúc tế bào da bị hư hại, ảnh hưởng nặng nề bởi tia cực tím. Thông thường, cơ thể sẽ đưa máu nhiều hơn đến khu vực này để nỗ lực "chữa cháy", khiến vùng da bị cháy nắng ửng đỏ.

Lão hóa sớm

Ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng lão hóa sớm ở da. Việc tiếp xúc liên tục với tia cực tím trong thời gian dài sẽ làm thay đổi cấu trúc lớp hạ bì, làm lão hóa da. Biểu hiện dễ thấy nhất là khô da, da chảy xệ, mất độ đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn và các đốm sắc tố. Đây cũng là lúc khả năng đàn hồi và collagen ở da bị thoái hóa.

Ung thư da

Ung thư da là một loại ung thư khá phổ biến, bao gồm các dạng: ung thư tế bào biểu mô, ung thư hắc tố, ung thư tế bào biểu mô có vảy và các khối u ác tính.

Ức chế hệ thống miễn dịch

Bức xạ tia cực tím có thể gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch. Theo đó, khi da bị cháy nắng có thể thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào máu trắng chống lại bệnh tật ở con người cho đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Việc tiếp xúc với tia cực tím lặp đi lặp lại có thể còn tác động và gây hại nhiều hơn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Những thiệt hại cho đôi mắt

Khi nhìn vào ánh nắng mặt trời, đôi mắt có thể sẽ bị hấp thụ tia cực tím, dẫn tới các tổn thương cho giác mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, cuối cùng là mù lòa. Đó là chưa kể tia cực tím có thể là tác nhân gây ra loại u ác tính nội nhãn cầu có thể hình thành ở bên trong mắt như mống mắt, bờ mi, choroids – thường gặp ở những người da trắng hơn người da màu.

Cách phòng tránh ảnh hưởng của tia cực tím mùa hè

Theo các bác sĩ, mọi người khi ra khỏi nhà nên bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời nói chung và tia cực tím nói riêng. Nên áp dụng các biện pháp phòng tránh mọi lúc, mọi nơi, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Các biện pháp bao gồm:

- Hạn chế tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, nhất là vào thời điểm nắng gắt nhất trong ngày từ 10 - 16h.

- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, ăn thực phẩm tươi mát.

- Tránh hoạt động liên tục giữa 2 môi trường quá chênh lệch nhiệt độ.

- Mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành để che kín mặt và cơ thể khi phải đi ra ngoài giữa trưa nắng.- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF từ 15 trở lên. Bôi kem chống nắng trước từ 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau thời gian kem chống nắng hết hiệu lực. Ngay cả khi trời có mây vẫn nên sử dụng kem chống nắng.- Đeo kính râm để bảo vệ mắt khi ra đường.- Chỉ tắm nắng cho trẻ nhỏ trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào buổi trưa nắng gắt. Khi ra ngoài cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng cho trẻ.

T.Anh

Nguồn: Kinh tế Môi trường