Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ gửi công văn tới Bộ trưởng Tài chính về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và bộ, cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Trong đó, nêu rõ căn cứ, cơ sở, sự cần thiết để đề xuất xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gộn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.
Tại tờ trình Chính phủ trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế. Dự kiến thời gian áp dụng sẽ được tính từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31.12.2023.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế lần này làm giảm thu ngân sách khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng, nếu quy định trong 6 tháng cuối năm sẽ tương đương khoảng 35.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110.000 tỉ đồng.
Trước đó, nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Kết quả thực hiện đã cho thấy tổng gói hỗ trợ giảm thuế VAT năm 2022 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng và việc giảm thuế VAT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021(ngân sách trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán). Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, nhiều kỷ lục trong thu ngân sách lần đầu tiên được xác lập như 3 địa phương có mức thu ngân sách trên 100.000 tỷ đồng là Tp.HCM, Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hưng Yên lần đầu tiên thu ngân sách tăng đột biến, đạt 260,4% dự toán, tăng 2,67 lần so với năm 2021, là tỉnh có mức tăng thu ngân sách lớn nhất cả nước. Hà Nội lần đầu tiên thu ngân sách vượt mốc 300.000 tỷ đồng… |