Trong quá trình biến động địa chất toàn cầu hàng chục triệu năm trước, Gia Lai là vùng đất nằm trong khu vực hoạt động mạnh mẽ của hơn 30 ngọn núi lửa. Đến nay, dấu tích của núi lửa vẫn còn nhưng được bao phủ bởi màu xanh của sự sống thanh bình.
Không chỉ có vậy, những núi lửa này còn là thắng cảnh độc đáo của phố núi Gia Lai, một trong số đó là Chư Đăng Ya. Năm 2018, tạp chí Daily Mail danh tiếng của Anh đã bình chọn núi lửa Chư Đăng Ya là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh.
Núi Chư Đăng Ya cao khoảng 500 m, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, núi cách trung tâm thành phố Pleiku Gia Lai khoảng 30km về hướng đông bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km.
Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào J’rai có nghĩa là “Củ gừng dại” – một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, miệng núi lửa có hình phễu. Miệng núi là một lòng chảo trũng với vách núi nghiêng 45 độ C, thoai thoải dẫn xuống vùng bình địa bằng phẳng. Toàn bộ khu vực phía trong, ngoài sườn núi tỏa ra khu vực xung quanh là nơi người dân canh tác, trồng các loại rau màu.
Vào mùa mưa, Chư Đăng Ya khoác lên mình một màu xanh trù phú của lúa, ngô, khoai, rau, bí đỏ... Mùa khô, cả vùng núi bừng sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ và màu hồng tươi của cỏ đuôi chồn xen giữa nền xanh của cây lá, tạo nên một bức tranh sống động.
Những sắc màu tươi vui ấy được kết tinh từ sự màu mỡ, phì nhiêu tích tụ trong lớp đất đỏ bazan và những khoáng chất ẩn trong lớp dung nham, tạo thành nguồn đất giàu dinh dưỡng. Bởi vậy, cây cối, hoa màu trên núi Chư Đăng Ya luôn tươi tốt, cho năng suất cao mà người dân không phải vất vả tưới tắm như những vùng đất khác.
Thời điểm đẹp nhất để đến Pleiku có lẽ tầm tháng 10 tới tháng 2 năm sau, đặc biệt là tháng 11, đây là thời điểm hàng trăm ngàn hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc trên khắp các nẻo đường và đồi núi, phủ vàng cả một góc trời.
Tận dụng được tiềm năng này, tỉnh Gia Lai đã xây dựng dự án “Làng du lịch J’rai nguyên tắc khép kín”, kết hợp núi lửa Chư Đăng Ya và làng Ia Gri (nằm ngay chân núi Chư Đăng Ya).
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào J’rai gắn với phát triển du lịch. Dự án được quy hoạch trên diện tích 5 ha bên sườn núi Chư Đăng Ya với kinh phí 25 tỉ đồng.
Thời gian tới, du khách đến đây có thể ở lại nhà dân nhiều ngày để trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục tập quán của đồng bào J’rai, qua đó có thể cảm nhận rõ nét về bản sắc văn hóa của cư dân bản địa. Đây chính là “bàn đạp” đưa núi lửa Chư Đăng Ya trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Gia Lai.