Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 75 Volkan Bozkir vừa cho biết, này nay, 50% diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa đe dọa sinh kế và là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng và làm gia tăng biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, năng suất cây trồng toàn cầu ước tính giảm 10%, thậm chí một số cây trồng bị giảm tới 50%. Điều này sẽ dẫn đến giá lương thực thế giới tăng mạnh 30%, khiến nạn đói và vấn đề về dinh dưỡng ngày càng nghiêm trọng hơn, cũng như cản trở các các mục tiêu phát triển đi kèm.
Ngoài ra, hàng triệu nông dân có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói, trong khi khoảng 135 triệu người có thể phải di dời vào năm 2045, làm tăng nguy cơ bất ổn và căng thẳng.
50% diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa đe dọa sinh kế và là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng và làm gia tăng biến đổi khí hậu (Hình ảnh minh họa)
Trong bối cảnh “nông nghiệp không bền vững” là nguyên nhân chính gây ra sa mạc hóa, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia tiến hành các cuộc đối thoại quốc gia về cải cách nông nghiệp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của LHQ vào tháng 9 năm nay. Bên cạnh đó, dành một phần lớn hơn nữa nguồn tài chính khí hậu cho rừng và nông nghiệp.
Với ước tính khoảng 2,7 nghìn tỉ USD mỗi năm - nằm trong phạm vi kinh phí chống COVID-19 được đề xuất - chúng ta có thể biến đổi nền kinh tế thế giới bằng cách khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, đầu tư cho nông nghiệp giúp đất khỏe mạnh và khuyến khích các mô hình kinh doanh và các dịch vụ ưu tiên các sản phẩm tái tạo, tái chế hoặc phân hủy sinh học.
Trong vòng một thập kỷ, nền kinh tế toàn cầu có thể tạo ra 395 triệu việc làm mới và tạo ra hơn 10 nghìn tỉ USD.
Ông cho rằng sự tồn tại và phát triển của chúng ta trong thế giới này hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta xây dựng và tái thiết mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên. Nếu không có sự thay đổi, điều này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Bởi vậy, ông Bozkir khẳng định phục hồi thiên nhiên là thử thách của thế hệ chúng ta. Đây là thách thức đặt ra và cần được giải quyết. Nếu chúng ta tăng cường hành động vì đất đai ngay hôm nay, chúng ta có thể bảo vệ an ninh lương thực và nguồn nước toàn cầu, giảm lượng khí thải, bảo tồn đa dạng sinh học và đề phòng các rủi ro về sức khỏe và môi trường trong tương lai. Nói một cách đơn giản, đất là giải pháp.