Song Vũ ·
2 năm trước
 6284

Chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn từ 25/8, vì sao?

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), ngày 25/8 tới đây chưa xử phạt trường hợp không phân loại rác tại nguồn.

Phải phân loại rác tại hộ gia đình chậm nhất đến cuối năm 2024

Nghị định 45 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8.

Tuy nhiên Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định phân loại rác từ hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thực hiện chậm nhất đến ngày 31/12/2024.

Theo đó từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 45 là quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường.

Trong Nghị định này, người dân đặc biệt quan tâm đến chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định không phân loại rác thải từ đầu nguồn, với mức xử phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Tương tự, các tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường nếu không phân loại từ đầu nguồn sẽ chịu mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng. Ngoài ra, Nghị định 45 xử lý vi phạm đối với các hành vi thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Theo Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25/8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.

Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư.

Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Tuy nhiên, trước quy định không phân loại rác tại nguồn bị xử phạt, người dân ở nhiều địa phương và cả các tổ chức, đoàn thể, chính quyền đều cho biết chưa được hướng dẫn về thực hiện quy định này

Ảnh minh hoạ

Chậm nhất đến 31/12/2024 mới áp dụng xử phạt

Trước băn khoăn về chưa có hướng dẫn phân loại rác đã có thời hạn xử phạt, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

“Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8, đó là thời điểm Nghị định có hiệu lức chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy”, ông Thịnh giải thích.

Theo quy định tại Điều 75 - Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

"Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này", ông Nguyễn Hưng Thịnh nói.

"Như vậy, tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.

Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Cần tuyên truyền trước khi xử phạt

Theo ghi nhận, dù đồng tình với chủ trương cần phân loại rác tại nguồn để giảm thải tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để thay đổi thói quen "gom rác một túi", cần có lộ trình tuyên truyền thay đổi nhận thức, sau đó mới xử phạt.

Thông tin trên VnExpress, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng việc ban hành chế tài xử phạt người dân không phân loại rác là hợp lý. Tuy nhiên, các địa phương hiện nay chưa có quy định cụ thể theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nên chưa thể có cơ sở để phạt vi phạm sau ngày 25/8.

Kinh nghiệm các nước cũng như một số đợt thí điểm ở Hà Nội trước đây chỉ ra việc phân loại rác sẽ giúp giảm 30% tổng lượng rác thải phát sinh, giảm áp lực thu gom, vận chuyển rác đi xử lý. Việc này cũng sẽ tăng lượng rác được tái chế thay vì chôn lấp, hay để nó trôi dạt ra đại dương.

Ông Tùng cho rằng cơ sở vật chất, nhân lực ở Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo cho việc phân loại rác tại nguồn đồng bộ từ người dân, thu gom, tập kết đến vận chuyển và xử lý. Minh chứng là các đợt thí điểm ở Hà Nội, TP HCM kết quả đều không thành công. "Ở những nơi thí điểm có thể thấy người dân rất hồ hởi phân loại, nhưng đơn vị thu gom lại chưa chuẩn bị xe để chở từng loại rác phù hợp, cuối cùng bao nhiêu rác phân loại lại đi chôn chung", ông Tùng nói.

Để quy định đi vào cuộc sống, ông Tùng cho rằng thời gian tới cần tổ chức đào tạo cho người dân cũng như đội ngũ thu gom để họ nắm được quy tắc, cách thức phân loại, thu gom rác hợp lý.

Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục môi trường (Đại học Sư phạm Hà Nội), sự cần thiết phải có quy định rõ ràng về mặt thu gom, phân loại rác tại nguồn, đó là một trong những giải pháp về mặt kinh tế, chính sách. Song song với giải pháp đó, vẫn cần có sự nâng cao nhận thức của người dân bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí... giúp người dân thay đổi hành vi của mình.

"Bên cạnh đó cần chính sách cung cấp thiết bị cần thiết để quá trình phân loại rác được thực hiện thành công" - ông Trí cho hay.