Quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên trong phòng, chống thiên tai
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới bị tổn thương nặng nề do thiên tai. Theo thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 2005 đến 2014, trung bình hàng năm ở Việt Nam có đến khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất.
Bình quân mỗi năm, Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị thiệt hại do các thảm họa thiên tai gây ra; thiệt về hại kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD/năm, tương đương với khoảng 1,5% GDP.
Theo Bộ NN&PTNT, đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi. Quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh; nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.
Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới bị tổn thương nặng nề do thiên tai
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đề xuất các giải pháp lớn, giải quyết triệt để hơn so với trước đây, như các công trình khắc phục vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn, kiểm soát nguồn nước ở cửa sông, hệ thống công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa, giải pháp tưới cho cây trồng cạn, nhất là các vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước…
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, điều khó nhất trong phòng chống thiên tai hiện nay nếu làm được sẽ chủ động trong ứng phó thiên tai là phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, lực lượng tại chỗ là yếu tố quyết định, kèm theo là các trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng tại chỗ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tần suất thiên tai không nhiều nhưng rõ ràng yếu tố cực đoan quá lớn. Đây là một trong những điểm để những người làm công tác phòng, chống thiên tai trong chỉ đạo, điều hành cần phải chú ý để rà soát lại các kế hoạch, phương án kịch bản ứng phó, phải tính toán chi tiết để thích ứng với yếu tố cực đoan và phù hợp với diễn biến khi thiên tai xảy ra.
Chuyên gia góp ý
Góp ý vào dự thảo Quy hoạch, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, bản dự thảo Quy hoạch lần này đã kế thừa những kết quả khảo sát và phân tích từ nhiều thập kỷ trước, đồng thời bổ sung và tổng hợp những kết quả quan trắc mới nhất.
Dự thảo Quy hoạch cũng đã nghiên cứu, cập nhật, phân tích lựa chọn giải pháp công trình từ nhiều kịch bản phát triển, đưa ra ít nhất 2-3 phương án cho mỗi giải pháp công trình, từ đó đề xuất các giải pháp lớn, có đầy đủ cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao nhất ở các vùng miền.
Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Giang, dự thảo Quy hoạch cần có quan điểm, lộ trình rõ hơn đối với các vấn đề còn tồn tại hiện nay ở Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, và ĐBSCL.
Tại ĐBSCL, cần lường trước các kịch bản cực đoan để tính toán sự cần thiết, quy mô nghiên cứu xây dựng và lộ trình đầu tư, đảm bảo hiệu quả các công trình kiểm soát, điều tiết nguồn nước có quy mô lớn, do khu vực này đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ngày càng gay gắt trong mùa khô, ông Phạm Hồng Giang nêu ví dụ.
GS.TS Đào Xuân Học gợi ý, Quy hoạch cần tập trung xử lý những thách thức lớn, như vấn đề hạ thấp mực nước ở sông Hồng, gây khó khăn cho việc lấy nước vào các hệ thống thủy lợi từ dòng sông này; hay vấn đề nước biển dâng và lún đất ở ĐBSCL.
Để đảm bảo tính khả thi sau khi Quy hoạch được phê duyệt, đại diện Bộ Tài chính cho rằng Quy hoạch cần nêu rõ danh mục công trình/dự án nào do ngân sách Trung ương/địa phương đầu tư; công trình nào cần huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, đại diện Bộ KH&ĐT đề nghị cần làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng phân bổ, huy động vốn vốn xã hội hóa.
Cũng liên quan đến nội dung trên, đại diện Bộ TN&MT cho rằng, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phòng, chống thiên tai rất khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn lực Nhà nước có hạn, nên rất cần xác định những hạng mục công trình có khả năng huy động được nguồn vốn xã hội hóa.
Đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ sở dữ liệu trong phòng, chống thiên tai và thủy lợi được cập nhật đầy đủ, theo thời gian thực nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả vì đây là lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.