Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, do cường độ mạnh, không khí lạnh sẽ khiến miền Bắc và Bắc Trung Bộ trải qua rét đậm, rét hại kéo dài (trung bình ngày từ 15 và 13 độ trở xuống). Vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sìn Hồ (Lai Châu), Fansipan (Lào Cai) có thể xuất hiện băng giá.
Nhiệt độ Hà Nội ngày 17/12 dự báo khoảng 13-19, đến đầu tuần sau xuống 8-17 độ C, trong ngưỡng rét hại. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai) đầu tuần sau có thể xuống dưới 0 độ C.
So với đợt rét đậm ngày 1-2/12, đợt rét này kéo dài hơn, vùng đồng bằng khoảng 5 ngày, miền núi 6-9 ngày, bắt đầu từ đêm 17/12. Trong đó ngày 18-19/12 rét nhất.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, từ Bình Thuận đến Cà Mau, Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7-8, sóng biển cao 3-6 m. Tàu thuyền đánh cá ở khu vực này có thể chịu tác động của gió to, sóng biển mạnh.
Nhiệt độ phổ biến 8-11 độ C, vùng núi cao khả năng có băng giá, sương muối
Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, đợt rét ngày 16-17/2 tới chưa phải cực đoan nhất của mùa đông năm nay.
Theo nhận định bà Lan, đợt không khí lạnh sắp tới kéo dài tới khoảng 23/12, tại Mẫu Sơn ở độ cao 1.600 m, nhiệt độ quan trắc đo được thấp nhất có thể dưới 0 độ C, đỉnh Fansipan (Lào Cai) từ -3 độ C đến -1 độ C.
“Đây chưa phải đợt không khí lạnh mạnh nhất trong mùa đông năm nay. Khả năng trước hoặc sau Tết Dương lịch, một đợt không khí lạnh mạnh sẽ tràn về nước ta, có thể đây là đợt rét nhất mùa đông năm 2022-2023. Tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Fansipan (Lào Cai), nhiệt độ quan trắc thấp nhất có thể xuống dưới -3 độ C, khả năng xuất hiện băng giá, tuyết nhẹ. Tuy nhiên, người dân có thể cảm nhận mức nhiệt thấp hơn tuỳ từng vị trí đứng”, bà Lan thông tin.
Chuyên gia này phân tích, năm nay, La Nina cường độ không quá mạnh. Đợt lạnh nhất mùa đông năm nay ít có khả năng xuống tới mức -5 độ C như đợt rét kỷ lục từng ghi nhận năm 2016. Dự báo sau tháng 3/2023, La Nina chuyển sang trung tính.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc việc biến đổi khí hậu, bầu khí quyển ấm lên nhưng lại có nơi nhiệt độ xuống rất thấp. Trả lời vấn đề này, bà Lan lý giải, biến đổi khí hậu làm cho bầu khí quyển ấm lên. Bầu khí quyển ấm lên sẽ làm thay đổi hoàn lưu khí quyển, thay đổi đặc trưng của khối không khí, cực đoan nhiều hơn.
"Mỗi đợt không khí lạnh có đời sống của nó, đợt này hình thành, phát triển, đi xuống và tan lại có đợt không khí lạnh khác hình thành. Nhưng có những năm, không khí lạnh tràn về dồn dập gần như liên tục nên người dân cảm giác chưa ấm lên đã rét tiếp. Từ nay tới sau Tết Nguyên đán là thời gian không khí lạnh tràn về liên tục nhưng không phải nối tiếp nhau thành một chuỗi ngày dài, có thể gián đoạn”, bà Lan nhận định.