Tạ Nhị ·
2 năm trước
 4748

Công tác đánh giá môi trường chiến lược ở Việt Nam

Công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) được xem là nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, do đó ĐMC ngày càng trở nên quan trọng và có tính bắt buộc.

Trên thế giới, việc đánh giá môi trường chiến lược đã được các nước thực hiện cách đây hơn 30 năm. Còn ở Việt Nam, từ khi Luật Bảo vệ Môi trường (2005) có hiệu lực, thì việc đánh giá môi trường chiến lược trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội liên tỉnh, cấp vùng, các chiến lược ngành trên phạm vi cả nước….

Ảnh minh hoạ.

Từ năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế đã thực hiện 14 dự án ĐMC thí điểm cho các loại hình như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển khu kinh tế, chiến lược phát triển giao thông vận tải ở các cấp độ khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang triển khai thực hiện ĐMC cho các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 6 vùng kinh tế; Bộ Công Thương đã triển khai một số dự án ĐMC thí điểm cho Tổng sơ đồ điện IV, VI, VII; Quy hoạch phát triển thủy điện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến một số loại khoáng sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện ĐMC cho 7 chiến lược, quy hoạch ngành. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện ĐMC cho 3 quy hoạch ngành. Đến giữa năm 2013 phần lớn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã lập và trình thẩm định ĐMC cho Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016-2022, Bộ đã thẩm định, phê duyệt 82 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 2.547 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 57 phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 47 đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

Mặc dù số lượng ĐMC nhiều nhưng phần lớn các báo cáo ĐMC có chất lượng rất hạn chế, chỉ có giá trị minh họa cho ý đồ quy hoạch tăng trưởng kinh tế (thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn). Theo Cục Thẩm định, hiệu quả của các báo cáo ĐMC khác nhau, phụ thuộc vào năng lực của cơ quan lập CQK, cơ quan tư vấn ĐMC, kinh phí thực hiện ĐMC, tổ chức thực hiện ĐMC, sự gắn kết giữa thực hiện CQK và ĐMC. Một số ĐMC không đạt yêu cầu, mang tính lý thuyết và có giá trị như là một điều kiện đơn thuần cho việc phê duyệt CQK. Đối với công tác thẩm định báo cáo ĐMC, số lượng các chuyên gia có đủ năng lực tham gia các Hội đồng thẩm định ĐMC còn ít; phương thức thẩm định ĐMC chủ yếu thông qua tổ chức phiên họp thẩm định. Nếu các ĐMC không loại bỏ hoặc điều chỉnh các loại dự án có hiệu quả kinh tế thấp nhưng tác động môi trường và xã hội lớn sẽ tạo tiền đề nguy hiểm vì dựa theo ĐMC đã được Bộ TN-MT/Bộ ngành khác thẩm định Chính phủ có thể phê duyệt các quy hoạch trong đó có cả các dự án này, dẫn đến gây hệ lụy lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường cho đất nước.

Đánh giá môi trường chiến lược thực chất là hoạt động nghiên cứu để đánh giá các yếu tố về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa, con người… trong quá trình hoạch định các chính sách, kế hoạch phát triển. Mục tiêu của việc làm này là nghiên cứu những ảnh hưởng, tác động của các kế hoạch phát triển đối với các vấn đề môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa… nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trọng tâm ĐMC của Việt Nam là cho các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK). Mục tiêu ĐMC của Việt Nam là lồng ghép việc cân nhắc các tác động môi trường vào quá trình lập CQK, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và đồng thuận của quá trình ra quyết định. việc đánh giá tác động môi trường chiến lược là đảm bảo những vấn đề về môi trường không xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. 

Một nguyên tắc quan trọng của phát triển bền vững là sự tích hợp của các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Tiếp cận theo nguyên tắc này và những kinh nghiệm quốc tế, công tác ĐMC, ĐTM của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay và những thập kỷ tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, các vấn đề về môi trường sẽ phát sinh càng nhiều về số lượng với phạm vi rất rộng và phức tạp về tính chất đòi hỏi các quy định về đánh giá môi trường chiến lược phải được đầy đủ, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả điều chỉnh cao nhất.