Tạ Nhị ·
2 năm trước
 4774

Công tác thẩm định báo cáo ĐMC như thế nào?

Công tác thẩm định Báo cáo ĐMC đối với các dự án thông qua cơ chế Hội đồng được quy định trong pháp luật môi trường nước ta xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển KT-XH, có cơ sở khoa học và có tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

Môi trường luôn là lĩnh vực nóng hổi được Nhà nước và Chính phủ quan tâm hàng đầu. Song song với quá trình phát triển nền công nghệ máy móc, môi trường đang có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con người và các sinh vật khác. Do đó, các hoạt động, dự án trên quốc gia cần phải có những đánh giá, điều tra chất lượng môi trường trước khi tiến hành để có các phương án xử lý đồng thời bảo vệ môi trường trong khu vực.

Chính vì vậy, Nhà nước đã đưa ra quy định về đánh giá môi trường chiến lược để hướng dẫn tổ chức, cá nhân có hành động hợp lý trước khi thực hiện các dự án quan trọng. Trong đó, nội dung về thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập báo cáo quy hoạch được quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây sẽ được gọi là Luật bảo vệ môi trường năm 2020).

Nội dung về thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập báo cáo quy hoạch được quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

Trách nhiệm thẩm định, xem xét kết quả ĐMC

Khoản 4 Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Cơ quan chủ trì thẩm định quy hoạch có trách nhiệm thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định quy hoạch. Cơ quan phê duyệt chiến lược có trách nhiệm xem xét kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình phê duyệt.”

Thẩm định là xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản về một số vấn đề nào đó. Cơ quan có trách nhiệm phê duyệt, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó thẩm định các cơ quan chủ trì thẩm định quy hoạch hay phê duyệt chiến lược chịu trách nhiệm thẩm định và xem xét kết quả về lĩnh vực của mình, đảm bảo tính pháp lý và nội dung tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời đưa ra các nhận xét, phân tích về tính phù hợp, chính xác của báo cáo để tránh gây nhầm lẫn, chênh lệch giữa báo cáo và thực tế.

Quy định về thẩm định báo cáo ĐMC

Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược như sau: Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được tiến hành thông qua Hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập với ít nhất 09 thành viên. Trong đó có ít nhất 30% số thành viên hội đồng có từ năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá môi trường chiến lược.

Cơ cấu hội đồng thẩm định bao gồm:

+ Chủ tịch hội đồng.

+ Một Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết.

+ Một Ủy viên thư ký.

+ Hai Ủy viên phản biện.

+ Một số Ủy viên.

Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đưa ra ý kiến thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hoạt động của hội đồng thẩm định.

Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có thể được thực hiện bổ sung các hoạt động sau đây, cụ thể là: Thứ nhất: Khảo sát vùng thực hiện dự án và khu vực phụ cận; Thứ hai: Kiểm chứng, đánh giá các thông tin, dữ liệu, kết quả phân tích, đánh giá, dự báo trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Thứ ba: Lấy ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các chuyên gia liên quan; Thứ tư: Tổ chức các cuộc họp chuyên gia đánh giá theo chuyên đề.

Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:

Thứ nhất: thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cơ sở pháp lý được sử dụng để lập chiến lược, quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Thứ hai: Các phương pháp được sử dụng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (bao gồm phương pháp sử dụng, cách sử dụng phương pháp).

Thứ ba: Các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường liên quan đến chiến lược, quy hoạch nêu trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Thứ tư: Các vấn đề môi trường chính đã được dự báo, nhận dạng khi triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch.

Thứ năm: Các đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính.

Thứ sáu: Các đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch.

Thứ bảy: Các giải pháp được đề xuất để duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính.

Thứ tám: Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược, quy hoạch được đề xuất bổ sung, điều chỉnh; các vấn đề môi trường đã được nhận diện nhưng chưa được điều chỉnh trong chiến lược, quy hoạch.

Cuối cùng là những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch.

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một công cụ được sử dụng để quản lý và bảo vệ môi trường. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược mang lại những ý nghĩa to lớn trong thực tiễn. Dựa vào kết quả của đánh giá của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược mà người ta có thể chỉ ra các định hướng chính xác hơn, cụ thể hơn cho công tác quy hoạch các dự án đầu tư tiếp theo đối với những ngành, những vùng cụ thể.