Hoài An ·
2 năm trước
 6050

Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam bị "tố" cưỡng đoạt tài sản và xúc phạm uy tín khách hàng

Vấn nạn vay tiêu dùng đã len lỏi vào nhiều ngóc ngách của xã hội, từng khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà. Gần đây, Shinhan Finance bị "tố" đăng ảnh đồi trụy, bôi nhọ nhân phẩm khách hàng để..."đòi nợ", mà kì lạ là người bị đòi nợ không hề biết mình nợ. Thực hư thế nào xin theo dõi câu chuyện tôi tổng hợp dưới đây...

Đòi nợ người không hề vay nợ

Theo đơn của bà N.T.H gửi đến báo chí, bà H đã trực tiếp tố cáo hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam - Shinhan Finance đối với bà và bạn bè, người thân, đồng nghiệp,...

Cụ thể, ngày 10/3 vừa qua, bà N.T.H nhận điện thoại của một người đàn ông tên Hồ Dương là nhân viên của Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Finance nhắc nợ, đòi nợ và yêu cầu bà trả số tiền 150 triệu đồng cho Shinhan Finance. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là bà H không biết khoản nợ 150 triệu đồng này đâu mà có. bà N.T.H không có bất cứ khoản nợ nào với đơn vị này, đồng thời, cũng không có trong danh sách tham chiếu nợ.

Tuy nhiên, những ngày tiếp sau đó, từ 8h00 sáng đến tối hàng ngày liên tục có hơn 40 số điện thoại gọi điện nhắc nợ, đòi nợ và yêu cầu bà trả nợ cho Shinhan Finance. Mặc dù bà N.T.H đã thông tin là không có vay nợ, sự việc này kéo dài trong gần 01 tháng.

Không dừng lại ở đó, những đối tượng tiếp tục khủng bố bà N.T.H bằng việc đưa các thông tin, hình ảnh gia đình bà lên mạng xã hội với nội dung bà lừa đảo, bán dâm. Điện thoại đến các đối tác, bạn bè, đồng nghiệp, ban lãnh đạo nhà trường nơi bà N.T.H làm việc cùng các nhân viên làm việc tại công ty của bà N.T.H. Nói xấu vu khống và bịa đặt là bà N.T.H đang trốn nợ nhằm mục đích bôi nhọ danh dự uy tín của gia đình bà.

Bà N.T.H thông tin: “Hiện tại gia đình tôi đang rất khủng hoảng và bị stress tỉnh thần hoảng loạn, các con tôi đang mùa thi cử ảnh hưởng tới tâm lý các cháu. Các đối tác và bạn bè của tôi sau khi bị các đối tượng trên khủng bố đã ngừng ký hợp đồng hợp tác làm việc với tôi. Từ khi bị khủng bố nhân viên của tôi thì hoang mang lo sợ suy sụp tinh thần làm việc, nhiều nhân viên đã xin nghỉ việc”.

Đến ngày 25/03/2021, bà N.T.H có đến trực tiếp Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Bank (Chi nhánh Phạm Hùng, phòng giao dịch Cầu Giấy) ở tại đây ban lãnh đạo ngân hàng đã xác nhận việc bà N.T.H không có dự nợ với bất kỳ khoản vay nào tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Bank Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 26/03/2021, bà N.T.H tiếp tục bị các đối tượng là nhân viên Shinhan Finance khủng bố yêu cầu trả nợ. Bà được nhân viên của Shinhan Finance yêu cầu phải đến địa chỉ số 2 Duy Tân phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội để trả nợ.

Ngày 27/03, bà N.T.H có đến làm việc trực tiếp tại Shinhan Finance về sự việc. Đại diện công ty Shinhan Finance bà Nguyễn Thu Hà phó phòng thẩm định nhắc đến một hợp đồng vay nợ của ông Đào Duy Hưởng. Tuy nhiên trong hồ sơ và hợp đồng vay nợ này không có thông tin hay số điện thoại của bà N.T.H trong số người tham chiếu. Không có chữ ký xác nhận vay nợ của bà đối với hợp đồng này.

Phía Ngân hàng Shinhan cũng xác nhận bằng văn bản là bà Hằng không hề có bất kỳ khoản nợ nào trong hệ thống.

Trao đổi với báo chí về sự việc trên, bà Lê Quế Hương, Giám đốc Phát triển Chuyển đổi số & Marketing xác nhận có sự việc đòi nợ nêu trên. Một đơn vị thực hiện dịch vụ thu hồi nợ của Shinhan Finance là Công ty Đức Phú đã thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn cho bà Hằng là để “nhờ” nhắc nợ ông Hưởng. 

Ngoài ra vị Giám đốc này cho biết, Công ty luôn luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, tôn trọng Pháp luật Việt Nam, tôn trọng quy tắc đạo đức, ứng xử trong việc thu hồi nợ, tôn trọng khách hàng và luôn đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu!? Vậy nhưng, dựa vào những tình tiết trong sự việc bị quấy rầy của bà N.T.H kể trên, liệu những lời này có đúng? 

Tệ hơn nữa, khi bà N.T.H đề nghị Shinhan Finance chấm dứt các hành vi xúc phạm danh dự bôi nhọ uy tín nhân phẩm gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của bà, chấm dứt việc liên hệ với các bạn bè đối tác đồng nghiệp của bà trên điện thoại và các trang mạng xã hội, đề nghị làm rõ và xin lỗi đính chính trả lời bằng văn bản trước công chúng, bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho bà và gia đình, nhưng cho đến nay, phía bà Hằng không hề nhận được bất kỳ động thái xin lỗi nào từ phía đơn vị này.

Thậm chí sau đó những hành vi đe dọa và khủng bố này không dừng lại. Thể hiện Shinhan Finance dùng nhiều thủ đoạn dơ bẩn sai phạm pháp luật, xúc phạm danh dự nhân phẩm, quấy nhiễu cuộc sống của bà, bạn bè đồng nghiệp, làm đảo lộn cuộc sống của gia đình, gây hậu quả thiệt hại về tinh thần, vật chất. 

Vấn nạn vay tiêu dùng

Theo tìm hiểu được biết, Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) là một trong 05 cái tên mà Tập đoàn tài chính Shinhan (Hàn Quốc) đã đưa vào Việt Nam. Trong đó có thể điểm mặt như: Ngân hàng Shinhan Việt Nam; Công ty TNHH chứng khoán Shinhan Việt Nam; Công ty TNHH Shinhan DS Việt Nam và Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance).

Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Shinhan Card (Hàn Quốc), là Công ty Tài chính tiêu dùng 100% vốn nước ngoài (Trước đây là Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (Prudential Finance), chính thức hoạt động dưới Thương hiệu Shinhan Finance từ năm 2019.

Vấn nạn vay tiêu dùng đã len lỏi vào nhiều ngóc ngách của xã hội, từng khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà, nhiều người đã phải tìm đến cái chết để được giải thoát khỏi những khoản vay với lãi xuất cắt cổ, phương pháp đòi nợ khủng khiếp. Điển hình trước đó là sự việc của anh Lê Thành Tâm phải chọn cái chết để kết thúc những ngày sống trong sợ hãi, bởi kiểu hành xử bất lương của nhóm đòi nợ thuê, sau khi anh Tâm vay tiền của FE CREDIT. 

Trước thông tin nghi vấn khách hàng FE Credit tự tử, NHNN đã có công văn yêu cầu các công ty tài chính cần khẩn trương rà soát toàn bộ quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ. NHNN cũng yêu cầu Công ty tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam rà soát toàn bộ các quy định nội bộ và việc thực hiện các quy định nội bộ của công ty về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ. Cùng đó, rà soát các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật.

Theo tôi, cần có những chế tài xử lý nghiêm, triệt để để chấm dứt tình trang bôi nhọ danh dự của khách hàng như các trường hợp trên.