Hải Linh ·
2 năm trước
 2270

Cuộc khủng hoảng cung ứng toàn cầu có thể sẽ kéo dài sang năm 2022

Các chuyên gia lo ngại nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến vào cuối năm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng cung ứng, trong khi nguồn cung đứt gãy và hàng tồn kho các nhà máy trên thể giới đang ở mức thấp kỉ lục.

Các nhà sản xuất và giám đốc điều hành hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển ở khu vực châu Á vừa đưa ra lời cảnh báo rằng tình trạng suy giảm nguồn cung toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng từng được cho là ngắn hạn nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022.

Giữa bối cảnh năm 2021 đã đi được hơn nửa chặng đường, các chuyên gia lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng đột biến vào giai đoạn các kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng, khi các nhà máy gấp rút dồn hàng hóa đến các thị trường Mỹ và châu Âu.

Karsten Michaelis, Trưởng bộ phận vận tải đường biển của hãng vận chuyển DHL Global Forwarding khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhận định: “Chúng tôi không kỳ vọng giá cước sẽ ổn định lại trong thời gian tới. Sự kết hợp của những yếu tố như một năm gián đoạn hoạt động, tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng và thiếu tàu đang tạo ra sự dư cầu vượt quá khả năng sản xuất."

Trong khi DHL Global Forwarding đang cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn thay thế về tuyến đường và phương thức vận tải để đảm bảo việc giao hàng được thực hiện, Trưởng bộ phận Karsten Michaelis vẫn cảnh báo rằng: “Chúng tôi phải chuẩn bị cho môi trường chi phí cao hơn và dự kiến sẽ chưa thể quay lại mức trước đại dịch Covid-19". 

khủng hoảng toàn cầu

Việc khu cảng Ningbo – Zhoushan tại Trung Quốc phải giảm mạnh công suất hoạt động đang tạo ra sự cố tắc nghẽn dây chuyền tại các khu cảng khác trong khu vực và trên thế giới (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Hơn nữa, phải nói đến việc Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chiến lược phong toả và kiểm dịch nghiêm ngặt để loại bỏ rủi ro Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động thương mại toàn cầu trong những tháng gần đây. Giữa tháng 8 vừa qua, khu cảng Ningbo – Zhoushan (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) buộc phải giảm công suất hoạt động tới 80% trong vòng 2 tuần khi một công nhân tại cảng nhiễm Covid-19. Khu cảng Ningbo – Zhoushan là cảng container lớn thứ ba thế giới.

Vào hồi tháng 5/2021, cảng Yantian (Thâm quyến) – cảng hàng hoá lớn thứ ba thế giới cũng phải đóng cửa trong gần 1 tháng do phát hiện một số công nhân cảng nhiễm bệnh. Những sự cố này đã khiến nhiều cảng biển trong khu vực và trên thế giới bị tắc nghẽn dây chuyền, hàng hoá luân chuyển chậm hơn đáng kể và giá cước vận tải đạt kỷ lục mới.  

Ông Hssieh Huey-chuan, Chủ tịch hãng tàu container lớn thứ 7 thế giới Evergreen Marine Corp nhận định, “Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và thiếu hụt container có thể kéo dài sang quý 4 năm nay hoặc thậm chí đến giữa năm sau. Nếu đại dịch Covid-19 không được kiểm soát hiệu quả, tắc nghẽn tại các cảng biển có thể trở thành điều bình thường mới".

Trong khi đó, việc biến chủng Covid-19 Delta lây lan nhanh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, lại đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất. Việt Nam, quốc gia xuất khẩu sản phẩm may mặc và giày dép lớn thứ 2 thế giới, đã áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, cho phép công nhân ăn, ngủ ngay tại nhà máy để duy trì hoạt động sản xuất. Thái Lan cũng đang áp dụng mô hình tương tự với tên gọi “hộp cát nhà máy”.

Kể cả những hãng sản xuất lớn có quy mô toàn cầu như Toyota Motor cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt bùng phát dịch mới. Toyota Motor cảnh báo có thể phải tạm dừng hoạt động tới 14 nhà máy trên toàn Nhật Bản và giảm tới 40% công suất hoạt động do các đứt gãy nguồn cung bao gồm cả việc thiếu chip điện tử.

Tại Châu Âu, các doanh nghiệp Anh cho biết lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp kỷ lục và giá bán lẻ đang tăng lên nhanh nhất kể từ tháng 11/2017. Đà hồi phục của Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu cũng đang bị đe doạ bởi các đứt gãy chuỗi cung ứng. Chỉ số đo lường niềm tin của các doanh nghiệp Đức đã giảm mạnh hơn dự báo do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.