Minh Phương ·
2 năm trước
 1768

Đà Nẵng: Gần 350.000 m3 bùn nạo vét âu thuyền Thọ Quang sẽ được nhận chìm xuống biển?

Theo quyết định của UBND TP.Đà Nẵng, phạm vi nạo vét bùn khu vực âu thuyền Thọ Quang có diện tích 50,17 ha; tổng khối lượng bùn sau khi nạo vét, tách rác là 346.790 m3 sẽ được nhận chìm tại khu vực biển.

UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tiểu dự án Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của TP.Đà Nẵng thuộc dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng.

Theo đó, phạm vi nạo vét bùn có diện tích 50,17 ha; tổng khối lượng bùn sau khi nạo vét, tách rác là 346.790 m3.

Về phương án nhận chìm chất nạo vét, sử dụng 3 sà lan với công suất mỗi sà lan 1.495 m3/ngày (trung bình 6 chuyến/ngày) để vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm với khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 3.500 m3/ngày. Nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy. Trước khi xả đáy, sẽ kiểm tra bùn nạo vét trên sà lan, nếu có chất nổi sẽ yêu cầu đơn vị thi công sử dụng tấm hút hết váng nổi. Chất nạo vét sau khi được kiểm tra (bằng cảm quan), nếu không có chất nổi sẽ tiến hành xả đáy sà lan để nhận chìm.

Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhiều năm qua ô nhiễm mùi hôi và nước thải.

Chất nạo vét sẽ được nhận chìm tại khu vực biển có tọa độ tâm là 16 011’14,75” vĩ độ bắc và 108 07’20,75” kinh độ đông với diện tích không quá 25ha. Diện tích cụ thể được xem xét khi cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển. Tổng khối lượng chất nạo vét được nhận chìm không quá 381.988 m3.

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát chặt chẽ quá trình nhận chìm, chất lượng nước biển, đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm chất nạo vét và khu vực xung quanh, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn lập hồ sơ cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển với nguyên tắc là chủ đầu tư chịu trách nhiệm giám sát 24/24 giờ đối với từng chuyến sà lan nhận chìm chất nạo vét; xác định tối thiểu 4 vị trí xung quanh vị trí nhận chìm, giám sát chất lượng nước biển và đa dạng sinh học...

UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên môi trường biển và hải đảo trong mọi hoạt động của dự án, bảo đảm không gây tác động xấu đến môi trường; bảo đảm tính chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, đánh giá và các kết quả tính toán nêu trong hồ sơ ĐTM. Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường để không gây ô nhiễm trong giai đoạn thi công, hoạt động của dự án.

Chỉ được phép nhận chìm chất nạo vét khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và thực hiện đầy đủ các quy định của phát luật có liên quan...

Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) nghiên cứu, khảo sát và triển khai các thủ tục nhận chìm vật chất trên biển Đà Nẵng. Khối lượng vật chất đề xuất nhận chìm khoảng 200.000 m3 từ việc nạo vét luồng hàng hải vào cảng Tiên Sa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá thật kỹ về tác động môi trường (ĐTM). Bởi vật chất sau nạo vét lại được nhận chìm trên biển, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển Đà Nẵng.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa môi trường - công nghệ hóa (Trường ĐH Duy Tân), chất nạo vét khi nhận chìm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến san hô. Theo khảo sát của bà Phương, san hô khu vực Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đã gần như bị hủy diệt hoàn toàn, ở phía nam của bán đảo san hô cũng chết rất nhiều. Một trong những nguyên nhân san hô bị hủy diệt là do trầm tích. San hô phát triển do cộng sinh với tảo. Nếu trầm tích tăng đột ngột thì tảo cộng sinh sẽ chết trước, san hô chết sau.

“Thật ra vị trí nhận chìm khá nghèo sinh vật. Chất nạo vét khi đổ xuống biển không tác động nhiều ngay tại chỗ nhưng vì là cát thô đồng nghĩa với việc động lực học dòng chảy ở khu vực đó rất lớn, làm phát tán vật chất. Các dòng chảy lan truyền theo những hướng khác nhau tùy theo thời tiết, lan truyền đến sát chân bán đảo Sơn Trà, hủy diệt rạn san hô. TP nên tìm vị trí khác hợp lý hơn” - bà Phương nói.

Âu thuyền Thọ Quang là một trong những “điểm nóng” về rác thải và ô nhiễm môi trường kéo dài ở TP.Đà Nẵng. Năng lực thu gom, xử lý rác của đơn vị quản lý không đáp ứng, vì vậy TP.Đà Nẵng có chủ trương xã hội hóa, giao một đơn vị chuyên nghiệp đủ năng lực thu gom. Chỉ thời gian ngắn triển khai, môi trường ở âu thuyên Thọ Quang được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ mới giải quyết phần ngọn, để xử lý triệt rác thải và mùi hôi cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải và nạo vét bùn.

Công suất âu thuyền Thọ Quang TP.Đà Nẵng hơn 400 tàu nhưng có những thời điểm phải tiếp nhận hơn 1000 chiếc khiến khu neo đậu quá tải. Lượng rác thải từ hoạt động của tàu cá, chợ hải sản, các xưởng đóng tàu và khu dân cư đã biến âu thuyền thành “túi” đựng rác không lồ, ô nhiễm kéo dài.

Ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, mỗi năm thành phố phân bổ cho đơn vị hơn 600 triệu đồng để thu gom rác, xử lý vệ sinh môi trường. Bình quân, mỗi năm đơn vị thu gom khoảng 1.600-1.700 tấn rác thải nhưng chỉ xử lý một phần lượng rác xả ra.

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam