Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5446

Đà Nẵng: Thiếu trầm trọng cây xanh, mớt đạt 7/10 tiêu chí thành phố môi trường

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường đến nay TP.Đà Nẵng mới hoàn thành 7/10 tiêu chí đề ra. Ngoài vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng cây xanh.

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã đạt 7/10 tiêu chí đề ra. Hiện TP.Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề án.

Theo đề án thành phố môi trường giai đoạn 2, UBND TP.Đà Nẵng đặt ra tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt quy chuẩn đến năm 2025 phải là 95% và đến 2027 là 97%; tỉ lệ chất thải nguy hại phải được thu gom đúng quy định đạt 100%, tỉ lệ hộ dân phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 đạt 90%...

Bãi rác Khánh Sơn vẫn đang phải cơi nới hố chôn lấp do các dự án xử lý rác thải theo phương pháp đốt rác phát điện trên địa bàn đang chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, trên nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng không được bố trí thùng rác trước cửa nhà để người dân dễ bỏ rác thì lại tập trung một điểm do tâm lý e ngại của người dân. Vì vậy, người dân đến cuối ngày đành bỏ từng túi rác lớn nhỏ ở vỉa hè để nhân viên vệ sinh đến thu gom.

Trong khi đó, bãi rác Khánh Sơn, nơi tập trung rác của thành phố được xây dựng từ năm 2007 đã hết hạn sử dụng từ nhiều năm nay nhưng vẫn phải “cơi nới” thêm vì các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn của các đơn vị vẫn chưa thể triển khai.

Theo ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng thì hiện nay công nghệ xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên đến nay phương pháp không còn phù hợp vì đô thị phát triển không còn quỹ đất, bên cạnh đó, trong quá trình xử lý dù đặt ra rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật nhưng không thể nào đảm bảo môi trường, việc phát tán mùi là vấn đề Khánh Sơn đang đối diện.

Không gian TP.Đà Nẵng thiếu trầm trọng cây xanh. Một góc trung tâm quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. (Ảnh: Thanh Hiếu)

Trong khi đó, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn theo hình thức PPP đang triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Dự án nhà máy công suất 650 tấn do Công ty CP Môi trường Việt Nam thì theo cam kết nhà đầu tư sẽ triển khai vào quý IV/2022 và vận hành cuối năm 2024.

Trong thời gian chờ đợi các dự án thì Đà Nẵng buộc phải nâng cấp bãi rác Khánh Sơn, nói cách khác là cơi nới thêm hộc chôn lấp rác.

Ngoài vấn đề rác thải, Đà Nẵng nhiều năm qua cũng đối diện với câu hỏi về tỉ lệ cây xanh đô thị. Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng cây xanh.

Cả thành phố chỉ có 2 công viên đặt ở 2 quận là Hải Châu và Thanh Khê, không thể phục vụ đủ cho hơn 1 triệu dân. Trong khi đó, quỹ đất dành cho cây xanh tại những dự án đô thị, khu quy hoạch mới hiện nay còn rất hạn chế chứ chưa nói đến công viên.

Một góc công viên 29/3, không gian xanh hiếm hoi trong lòng TP.Đà Nẵng.

Theo thống kê năm 2010, diện tích cây xanh đô thị của Đà Nẵng chỉ đạt hơn 5m2/người. Năm 2015, con số này là 7,32m2/người. Năm 2019, Đà Nẵng có hơn 1,134 triệu dân nhưng chỉ số cây xanh chỉ ở mức 7,51m2/người. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị là 8,9 m2/người.

Về cây xanh đô thị Đà Nẵng so với tiêu chí đô thị loại 1 là thiếu trầm trọng. Trong đề án xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt được tiêu chí ít nhất 9m2/người về tỉ lệ cây xanh công cộng. Để làm được điều này thì quy hoạch phải đảm bảo được phần đất cho công viên cây xanh, khuyến cáo các nhà đầu tư dành tỉ lệ cây xanh ở khu đô thị. Ý thức người dân, doanh nghiệp cần được nâng cao hơn.

Ngoài ra, vấn đề lựa chọn loại cây, cách trồng cũng phải được chú trọng để tránh mùa bão thì lượng cây xanh giảm xuống.