Song Vũ ·
2 năm trước
 3909

Đà Nẵng tiếp cận công nghệ đốt rác phát điện thay thế chôn lấp ở Bãi rác Khánh Sơn

Sở TNMT Đà Nẵng là đơn vị đăng cai, phối hợp tổ chức hội thảo – triển lãm quốc tế về giải pháp, công nghệ xử lý chất thải đô thị tại Việt Nam. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng có những chia sẻ với PV MTĐT về những kết quả đạt được ở sự kiện này

Đại diện ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ của sự kiện Hội thảo và triển lãm. 

PV :Thưa ông, TP Đà Nẵng đã thu hoạch được gì qua cuộc hội thảo và triển lãm lần này?

Ông Tô Văn Hùng:  Qua 2 ngày hội thảo (25/8 và 26/8) về giải pháp, công nghệ xử lý chất thải đô thị tại Việt Nam, các diễn giả, nhà khoa học đã chia sẻ đến tất cả người làm công tác chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tham dự những kinh nghiệm quý báu trong quá trình quản lý, phân loại, thu gom rác thải.

Điều đặc biệt là các nhà đầu tư đã mang đến hội thảo công nghệ xử lý rác tiến tiến, trong đó tập trung những công nghệ có thể áp dụng được cho các loại rác ở Việt Nam như: công nghệ đốt rác phát điện, đốt tầng sôi, đốt lò ghi… Những vấn đề này mang lại nhiều điều bổ ích cho các địa phương, nhất là Đà Nẵng đang hướng đến việc xây dựng TP môi trường, sinh thái.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng.

Tại hội thảo, kinh nghiệm triển khai phân loại rác tại nguồn của Nhật Bản để lại cho Đà Nẵng nhiều bài học. Bởi, đây là thời gian Sở TNMT Đà Nẵng đang nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất UBND thành phố ban hành chủ trương, chính sách, quy định đến với từng người dân, tổ chức trong công tác phân loại rác.

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và đã có hiệu lực trong việc phân loại rác là trách nhiệm của người dân. Đặc biệt, đến ngày 31/12/2024 là thời gian bắt đầu xử lý những vi phạm, nếu như người dân không thực hiện phân loại rác theo quy định thì sẽ bị xử phạt.

Việc tổ chức thu giá dịch vụ thu gom rác theo khối lượng cũng là vấn đề rất khó khăn hiện nay. Với những chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các bạn đến từ Nhật Bản là hết sức hữu ích cho Đà Nẵng về vấn đề này.

Ngoài ra, hội thảo còn gắn liền với triển lãm, quy tụ gần 40 gian hàng. Các doanh nghiệp mang đến đây rất nhiều sản phẩm, từ thùng rác thông minh đến vật liệu hỗ trợ cho xử lý rác, trang thiết bị rất tiên tiến. Ví như hệ thống xử lý rác y tế bằng công nghệ lò hơi, lò hấp, là một trong những điều rất cần thiết hiện nay. Kể cả xe thu gom rác cũng là những thiết bị hữu ích, không riêng gì Đà Nẵng mà các địa phương khác đang mong chờ được tiếp cận, có thể mang về áp dụng.

Các thiết bị công nghệ xử lý rác hiện đại được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm.

PV:  Qua hội thảo lần này, Đà Nẵng tiếp cận được công nghệ gì để hướng đến việc xử lý rác tại Bãi rác Khánh Sơn không, thưa ông?

Ông Tô Văn Hùng:  Hiện nay Bãi rác Khánh Sơn vẫn áp dụng theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Tại hội thảo lần này cũng có giới thiệu một số sản phẩm phục vụ cho quá trình chôn lấp đảm bảo tốt hơn về môi trường. Trong kế hoạch tính toán, đến năm 2024, công năng bãi rác sẽ đạt công suất thiết kế, thành phố phải có những nhà máy thay thế.

Hiện nay, thành phố đang triển khai đầu tư kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày theo phương thức đối tác công tư  (PPP), trong đó Đà Nẵng đang hướng đến những công nghệ phù hợp với địa phương mình. Công nghệ phải phù hợp với tính chất rác của Đà Nẵng, khả năng về ngân sách chi trả cho xử lý, đặc biệt là với tiêu chí thành phố môi trường, chúng ta phải lựa chọn công nghệ nào đảm bảo tốt nhất.

Tại triển lãm này, nhà đầu tư đã mang đến công nghệ đốt rác phát điện dưới hình thức đốt tầng sôi, đốt lò ghi để giới thiệu cho Đà Nẵng và các đơn vị tham dự tham khảo, tiếp cận. Công nghệ này rất nhiều địa phương trong nước hiện nay đang triển khai, mang lại hiệu quả và một số nước tiên tiến cũng sử dụng như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Quá trình triển khai xây dựng nhà máy, thành phố sẽ cân nhắc lựa chọn công nghệ và nhà đầu tư có năng lực. Hiện nay, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để Nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam có công suất giai đoạn 1 là 650 tấn/ngày sớm khởi công. Đây là 2 dự án theo kế hoạch, lộ trình sẽ cố gắng đưa vào khai thác ngày sau khi Bãi rác Khánh Sơn với phương thức chôn lấp hết công suất.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (áo sáng từ trái sang) thăm quan các gian hàng tại triển lãm.

Tập đoàn Amaccao đang sử dụng công nghệ lò ghi cơ học có xuất xứ từ châu Âu (Seghers - Martin), đã được đội ngũ các nhà khoa học cải tiến "châu Á hóa" để phù hợp với loại rác thải của Việt Nam. Đây cũng là công nghệ tốt, hiện đại và phù hợp để đốt được các loại rác thải sinh hoạt tương tự như ở Đà Nẵng.

PV:  Đà Nẵng đang hướng đến việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường. Qua hội thảo, Đà Nẵng đã tiếp cận được công nghệ và giải pháp gì cho việc xử lý chất thải ở các khu công nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu này?   

Ông Tô Văn Hùng: Tại triển lãm lần này có giới thiệu công nghệ lò hơi, lò hấp rất hay và hiệu quả. Công nghệ này có thể xử lý chất thải nguy hại ở khu công nghiệp và cả rác thải y tế thành rác thông thường. Có nghĩa là sau khi qua xử lý lò hơi này, rác thải nguy hại sẽ trở thành rác thông thường. Theo tôi, công nghệ này rất phù hợp và có thể áp dụng ngay cho các bệnh viện hay nhà máy có rác thải nguy hại tại Đà Nẵng.

PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.