1. Hồ Tây và vai trò trong sự phát triển đô thị Hà Nội
Hồ Tây được hình thành từ những năm 1450 gắn với việc trị thuỷ sông Hồng và phát triển hệ thống thuỷ nông đồng bằng Bắc Bộ của cha ông ta. Đây là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng tạo nên thủy vực tĩnh. Hồ còn kết nối với sông Tô Lịch, đưa nước ra vùng ngoài đê… tạo nên hệ sinh thái mặt nước phong phú cho thành phố. Sau khi kè bờ, hồ có diện tích 527,517 ha, chu vi 18,9 km, dung tích khoảng 13.380.000 m3 với độ sâu trung bình của hồ 1,52 m, tối đa 3,4 m, là một hồ đô thị lớn nhất của Việt Nam.
Hồ Tây có vai trò chính là hồ cảnh quan du lịch và điều hòa khí hậu cho khu vực. Ngoài ra, mặc dù ở vị trí địa hình cao, nhưng hồ chính và các ao đầm trong hệ thống vẫn có khả năng điều tiết nước mưa cho một số khu vực xung quanh hồ. Các lớp thực vật trên bờ giúp chống xói mòn của dòng chảy trên bề mặt đất, giúp nước mưa thẩm thấu nhanh hơn, giảm ngập lụt cho vùng đất đô thị xung quanh hồ. Với mực nước cao và dung tích lớn, Hồ Tây cũng được xem để làm nguồn nước bổ sung để tạo dòng chảy, tăng cường làm sạch và đảm bảo cảnh quan cho các kênh hồ nội thành về mùa khô, tham gia bổ cập nước ngầm cho một số công trình cấp nước nhỏ trong khu vực.
Hồ Tây là hồ nước tự nhiên lớn nhất tại Hà Nội, được ghi nhận trong sử sách từ khá lâu đời. Hồ có nhiều tên gọi khác nhau gắn với truyền thuyết và huyền thoại về nguồn gốc và đặc điểm của hồ như Kim Ngưu, Dâm Đàm, Xác Cáo... Ảnh: TL.
Thành phố Hà Nội đã được hơn 1000 năm tuổi và trên mảnh đất này, trong các thủy vực kín, ít giao lưu luôn cất giữ các loài sinh vật đặc hữu (endemic). Hồ Tây được biết đến là một hệ sinh thái đất ngập nước đặc biệt với sự đa dạng về động thực vật, được coi là điển hình nhất của các hệ sinh thái nước ngọt, nước đứng đồng bằng Bắc Bộ. Hệ thuỷ sinh vật hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 loài thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên. Hồ Tây được đánh giá là hệ sinh thái hồ nước ngọt, xếp hạng thứ 11 trong số 68 hệ sinh thái đất ngập nước, có giá trị đa dạng sinh học cao của Việt Nam. Hệ sinh thái vùng Hồ Tây kết hợp vơi hệ sinh thái sông Hồng, khu vực cảnh quan môi trường vườn Bách Thảo tạo thành lá phổi xanh cho khu vực nội thành Hà Nội. Hiện tại, hồ Tây được xếp vào danh sách các hồ cần bảo tồn trên thế giới theo trang web của Tổ chức Thế giới về môi trường hồ (ILEC).
Về phương diện địa hình thái, hồ Tây có dạng nửa đường tròn ở phía Tây, hình thành nên các bán đảo với nhiều hồ vệ tinh nhỏ, tạo nên những giá trị đặc trưng cảnh quan sinh thái. Nếu vẽ tiếp khu vực hồ Tây sẽ thành một vòng tròn sẽ ôm khít bãi Tứ Liên và ngã ba sông Hồng với sông Đuống. Đây là hội tụ, có nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, giá trị sinh thái, cảnh quan, Đặc trưng của khu vực xung quanh hồ Tây và mang tính đại diện cho đô thị Hà Nội là sự đan xen làng trong phố với cả những giá trị định cư được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các làng xung quanh hồ Tây trước kia mang đầy đủ bản sắc của làng quê Việt, có luỹ tre, công trình công cộng như đình, chùa…
Là một vùng đất có nhiều công trình lịch sử cùng với cảnh đẹp tự nhiên, hồ Tây là nơi thể hiện dịch vụ văn hóa rõ nét nhất trong các hồ của Hà Nội. Đây là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh không chỉ người dân Hà Nội mà còn thu hút du khách tới để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các giá trị về văn hóa, lịch sử... Hồ Tây còn là một trong những địa điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thư giãn đối với người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương thông qua các dịch vụ vui chơi, nhà hàng, công viên,… bằng cách tận dụng khoảng không gian thoáng đãng của hồ.
Thành phố Hà Nội trải qua một tiến trình lịch sử lâu đời, mang trong mình giá trị di sản đồ sộ, cả về di sản kiến trúc lẫn di sản thiên nhiên. Mối quan hệ của đô thị hóa Hà Nội với nước giữ một vị trí đặc quyền trong lịch sử hơn nghìn năm tuổi của thành phố. Không gian Hà Nội được cấu trúc bởi yếu tố "nước” gồm sông Hồng (sông Cả) - các sông con (sông Ðáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch,…) và một hệ thống lớn các hồ tự nhiên và nhân tạo.
Trục kết nối không gian Hồ Tây - Sông Hồng - Cổ Loa. Ảnh: TL
Cũng như nhiều đô thị khác ở Châu Á, trong quá trình phát triển bùng nổ, Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản. Các nguồn lợi kinh tế dẫn đến mối đe dọa về sự phá vỡ cấu trúc đô thị lịch sử của nó. Trong yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển, thì những thành phố có giá trị lịch sử như Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Xung đột giữa thiên nhiên và con người ngày càng nghiêm trọng do tác động mạnh mẽ của sự phát triển đô thị tới hệ sinh thái. Cả hệ sinh thái thiên nhiên, hệ sinh thái nhân văn đang dần bị phá vỡ trong các đô thị. Các đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa hệ thống này và sự hình thành những hình thái đặc trưng, thể hiện rõ trong khu vực hồ Tây, một trong những khu vực tập trung và phát triển nhất Hà Nội với tốc độ đô thị hóa và xây dựng mạnh.
Thiên nhiên quanh hồ Tây là một hệ sinh thái phong phú, đa dạng và vô cùng quí giá cần phải được gìn giữ… Các di tích văn hóa quanh Hồ Tây được bảo tồn trong một vùng thiên nhiên đặc biệt sẽ làm cho môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa của Hồ Tây đẹp hơn và sâu sắc hơn, sẽ tạo ra được một khu du lịch sinh thái và văn hóa đặc biệt ngay trong lòng Hà Nội. Điều này đã được làm rõ trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
2. Tiếp cận hài hòa giữa hệ sinh thái đô thị và hệ sinh thái tự nhiên khu vực hồ Tây
Hệ sinh thái là hệ thống quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó. Biểu hiện chức năng của hệ sinh thái là một tổ chức sống: trao đổi chất và năng lượng giữa các sinh vật trong quần xã và giữa quần xã và sinh cảnh, có kích thước đa dạng. Sửa đổi hệ sinh thái tự nhiên của con người cũng có thể tạo ra một hệ sinh thái nhân tạo. Một hệ sinh thái tự nhiên chịu sự tuyệt chủng của một loài do hành động của con người đã mất đi tình trạng ban đầu của nó, vì vậy nó có thể được coi là một hệ sinh thái nhân tạo hoặc, ít nhất là một hệ sinh thái tự nhiên bị biến đổi.
Khu vực hồ Tây bao gồm hồ nước và diện tích đất đô thị cận kề với nó là một hệ sinh thái hỗn hợp, phức tạp với các hệ sinh thái tự nhiên (vực nước và vùng đất thấm nước ven hồ) và hệ sinh thái nhân tạo (hệ sinh thái đô thị). Cũng như nhiều hệ sinh thái lai hợp khác, đây là hệ thống mở, thường xuyên trao đổi chất, năng lượng với môi trường, gắn kết giữa các sinh vật với các nhân tố sinh thái của môi trường và có khả năng tự điều chỉnh để duy trì trạng thái cân bằng.
Như vậy hồ Tây là một hệ sinh thái nhạy cảm, đan xen giữa đặc tính tự nhiên và nhân tạo. Trong diễn thế sinh thái xuất hiện các mâu thuẫn trong nội bộ quần xã và giữa quần xã với môi trường. Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác sự phát triển mà không tác động tới các mối quan hệ của cuộc sống giữa cái cũ và cái mới đang phát triển không ngừng ở khu vực trung tâm thành phố Hà Nội.
Hồ Tây dù đã bị gặm nhấm không ít bởi quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát trong hơn 20 năm qua, vẫn đóng vai trò là lá phổi xanh lớn nhất còn hiện diện tại nội đô Hà Nội. Ảnh ITN
Trong những năm gần đây, hồ Tây đang bắt đầu chất tải lên những công trình có khối tích lớn. Những công trình quy mô lớn được xây dựng chiếm các chỗ trống hiện có tác động tới thiên nhiên và cảnh quan vốn là địa chỉ thưởng ngoạn không gian rất cần thiết cho người dân. Khi dân cư ngày càng tập trung đông, khu vực quanh Hồ Tây gồm các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng,.. dần mất nét ven đô mà thay đổi theo chiều hướng đô thị hóa, với mật độ xây dựng cao, phố xá dày đặc với nhiều nhà cao tầng. Từ một thủy vực tự nhiên, hồ Tây đang biến thành một hồ đô thị, dẫn đến sự ô nhiễm nước, suy giảm đa dạng sinh học, đô thị hóa cảnh quan… Hồ đang dần chỉ còn là một vực nước đứng lớn, được bao bọc bởi bê tông của đô thị, bị từng bước xóa các giá trị lịch sử, sinh thái, nhân văn vốn có từ ngàn năm.
Hồ Tây lại còn đối mặt với sự hạ thấp mực nước do sự bốc hơi trực tiếp từ bề mặt và thẩm thấu vào đất do hạ thấp tầng nước ngầm mạch nông. Sự hạ thấp này là do diện tích mặt phủ không thấm nước mưa khu vực xung quanh tăng lên do quá trình đô thị hóa.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước chất lượng nước Hồ Tây còn rất tốt, hàm lượng oxy hòa tan thường lớn hơn 5 mg/l, BOD5 nhỏ hơn 6 mg/l,… tương ứng chất lượng nguồn nước mặt loại A. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nước Hồ Tây đã bị ô nhiễm với mức độ β-mesoxaprobe (β-m), hàm lượng BOD5 ở giữa hồ cao nhất đạt tới 23 mg/l, ở điểm gần bờ phía đường Thanh Niên tới 35mg/l. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh cống thải bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng (chì, đồng, thủy ngân,…) vượt quá giới hạn cho phép gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái hồ [5]. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường là rác thải và nước thải sinh hoạt của các khu dân cư xả vào hồ. Chính từ những nguồn thải này đã làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, giảm sút oxy hòa tan, gây cho hồ bị ô nhiễm và phú dưỡng. Với chế độ dòng chảy thấp và là vực nước đứng (tĩnh), khả năng tự làm sạch của hồ bị hạn chế. Hiện tượng gần 200 tấn cá bị chết ở Hồ Tây trong 3 ngày (1/10-3/10/2016) sau khi mưa to minh chứng cho việc ô nhiễm nước, suy giảm oxy và mất cân bằng hệ sinh thái hồ.
Những giá trị về đa dạng sinh học trong hồ Tây đang suy giảm hiện hữu từng ngày. Các kết quả điều tra thành phần các loài thực vật nổi ở Hồ Tây cho thấy có sự giảm sút loài lớn nhất từ 115 (năm 1996) và chỉ còn khoảng 60 - 70 loài hiện nay. Như vậy, số loài đã giảm sút gần một nửa. Trong đó, giảm số lượng nhiều nhất là ngành tảo Lục giảm từ trên 70 loài xuống còn hơn 20 loài. Các thành phần loài cá ở hồ Tây có sự tăng lên, nhưng chủ yếu là do các loài cá nhập nội được nuôi thả quản canh.
Biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa lớn và tần suất mưa thay đổi, gây gia tăng hiện tượng úng ngập ven hồ và các vùng lân cận. Lũ do nước mưa kết hợp với nước thải sinh hoạt bị tràn ra từ các hệ thống cống, rãnh ven hồ có thể biến thành các ổ dịch bệnh liên quan đến môi trường nước. Ngoài ra, khi nước mưa chảy tràn kéo theo nước cống rãnh với nồng độ các chất vô cơ, hữu cơ cao có thể gây ra các mùi hôi thối và phú dưỡng trong hồ. Hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các sinh vật trong hồ mà còn ảnh hưởng tới người dân sinh sống xung quanh và du khách khi đến thăm hồ. Những nơi ao hồ, đầm bị san lấp hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác thường trở thành những nơi xuất hiện nhiều điểm ngập lụt.
Những ao đầm trong hệ thống thủy văn hồ Tây có ý nghĩa lớn để điều tiết nước mưa giảm ngập úng cho khu vực đô thị xung quanh, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Các vực nước này còn góp phần cải thiện môi trường xung quanh và bổ cập cho nguồn nước ngầm mạch nông khu vực. Chính vì vậy xây dựng một dự án nào đó mà phải lấp các ao đầm này là sự đánh đổi không hợp lý trong phát triển kinh tế xã hội.
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã nêu rõ quan điểm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Khu vực hồ Tây có vị trí đắc địa và cũng là vùng đô thị hóa mạnh mẽ, cho nên việc thu hút đầu tư cho những dự án mới, việc phát triển theo những mô hình mới cũng cần phải được cân đối với việc bảo tồn. Trong khu vực này cần phải bảo tồn các di tích song song với bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn kết hợp với khai thác về du lịch thương mại, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể Tràng An và tạo ra được sự kết nối giữa các khu vực bảo tồn với các khu phát triển. Đây là một không gian hội tụ những giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên và văn hóa, lịch sử, rất cần được tôn trọng và khai thác để trở thành biểu tượng của Hà Nội. Do đó, không nên quy hoạch trong khu vực này những tổ hợp công trình cao tầng hiện đại mà chỉ nên dành cho các không gian sinh hoạt công cộng với các công trình văn hóa thấp tầng.
Trục cảnh quan Tây Hồ Tây và Trục Hồ Tây - Sông Hồng - Cổ Loa trong tổng thể quy hoạch chung Hà Nội và vùng phụ cận. Ảnh: TL
Trong một hệ sinh thái, các sinh vật trong quần xã luôn luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các thành phần vô sinh của sinh cảnh. Nhờ các tác động qua lại đó mà hệ sinh thái là một hệ thống sinh học hoàn chỉnh và tương đối ổn định. Như vậy đối với vùng đất cận kề mặt nước hồ Tây cần phải hạn chế xây dựng các nhà cao tầng xây gần hồ giảm tầm nhìn về hồ, các nhà hàng ăn uống xung quanh hồ,... tăng cường các công trình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái quanh hồ, làm mềm các đường bờ kè hồ. Bằng cách rãi sỏi cát hoặc trồng các khóm cây thủy sinh ven bờ,.. sẽ tạo điều kiện phát triển hệ vi sinh vật và thủy sinh vật vùng bờ hồ.
Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tái tạo mối quan hệ hồ Tây với hệ thống sông hồ khác trong logic thủy văn của thành phố [3]. Trong những năm gần đây hồ Tây đối mặt với sự hạ thấp mực nước do gia tăng sự bốc hơi trực tiếp từ bề mặt và thẩm thấu vào đất cho tầng nước ngầm mạch nông. Sự hạ thấp này là do diện tích mặt phủ không thấm nước mưa khu vực xung quanh tăng lên do quá trình đô thị hóa. Vì vậy, bổ cập nước sạch cho hồ Tây là cần thiết để tăng cường quá trình tự làm sạch cũng như đảm bảo mực nước cảnh quan, duy trì các điều kiện sinh thái cho hồ. Khi cấp nước sông Hồng về mùa khô lưu lượng khoảng 1,5 m3/s và bổ cập nước thải sau xử lý đạt mức A theo QCTĐHN 02:2014/BTNMT từ nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây vào hồ với hình thức phân phối nước phân tán, chế độ dòng chảy động được tạo lập, khả năng tự làm sạch của hồ được tăng lên. Mặt khác qua cống xả sau hồ, nước sạch từ hồ Tây có thể bổ cập cho sông Tô Lịch và hệ thống sông hồ nội đô khác trong lưu vực [7].
Ngoài việc bổ cập nước sạch duy trì mực nước cảnh quan, quá trình tự làm sạch hồ Tây có thể được tăng cường bằng biện pháp làm thoáng nhân tạo để bổ sung thêm oxy cho vi khuẩn oxy hoá các chất hữu cơ trong hồ. Biện pháp làm thoáng nhân tạo để cấp oxy cho hồ có thể kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí hoặc tạo cảnh quan trên mặt nước hoặc ven bờ hồ.
Để tăng thể tích điều hòa nước, cũng cần nghiên cứu phương pháp nạo vét tăng thể tích hồ nhưng không làm ảnh hưởng đến hiện trạng môi trường. Cần sử dụng phương pháp hút, ép bùn khô phù hợp để hạn chế lượng bùn đất phát tán ra môi trường xung quanh cũng như không gây xáo trộn lớn đối với hệ sinh thái lòng hồ.
Khu vực hồ Tây hội tụ các giá vật thể và phi vật thể đặc trưng không những cho Hà Nội mà cho cả vùng Đồng bằng Sông Hồng. Trong tình hình đô thị hóa như hiện nay, việc có được một vùng nước, đất như ở Hồ Tây và các ao đầm để tạo nên một hệ sinh thái đất ngập nước trong đô thị là rất đáng quý. Chính vì vậy, việc phát triển đô thị và khai thác tiềm năng du lịch khu vực hồ Tây là cần thiết nhưng phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan khu vực hồ.
3. Bán đảo Quảng An và việc xây dựng nhà hát opera trên Đầm Trị
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhấn mạnh: "Xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát... gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây, Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn kết với các công trình tượng đài đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn...” [4]. Hà Nội cần một không gian nghệ thuật quy mô lớn hơn, để nâng tầm vị thế văn hóa của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến trên bản đồ điểm đến văn hóa nghệ thuật thế giới, việc kiến tạo một Nhà hát mới hiện đại cho Hà Nội là vô cùng cần thiết.
Khu Đầm Trị. Ảnh ITN
Hồ Tây chính là một khu vực được chọn làm trung tâm văn hóa thể thao cho Hà Nội và ngay từ rất sớm, cũng đã thấy được tiềm năng của khu vực này. Trên mặt hồ Đầm Trị dự kiến sẽ xây dựng một nhà hát Opera quy mô lớn với diện tích 13.578m2, hiện đại, đẳng cấp quốc tế và có sức chứa gần 2.000 người. Chức năng chính của nhà hát là không gian trình diễn nghệ thuật. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa chính của thành phố Hà Nội, là điểm nhấn của khu vực hồ Tây nói riêng và của Hà Nội nói chung.
Bán đảo Quảng An, vùng đất cổ ăn ra giữa Hồ Tây, là một cảnh quan tự nhiên, nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật trong đó có một số loài quý hiếm đặc hữu như tảo, chim sâm cầm, sen Bách Diệp,… Bán đảo này cũng tạo nên một không gian mang tính biểu tượng và là một phần tạo nên bản sắc của Hà Nội. Vì vậy yếu tố quyết định cho thành công của trung tâm văn hóa trên đầm Trị ở vùng bán đảo Quảng An này lại chính là các yếu tố phi vật thể, hay là phần hồn của nó. Một công trình công cộng quy mô lớn mang tính biểu tượng của thành phố sẽ cần đặt ở vị trí cho phép tiếp cận dễ dàng, tiện lợi cho số đông, và số đông ở đây có thể lên đến hàng vạn người.
Khi xây dựng quy hoạch, cần đặc biệt lưu ý đến các chức năng và giá trị sinh thái vô cùng quan trọng của Hồ Tây và các ao đầm vệ tinh của nó đối với thành phố, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Khi cứng hoá một không gian thiên nhiên, là ảnh hưởng tổng thể đến hệ sinh thái, đến sự đa dạng sinh học muôn loài ở Hồ Tây nói chung, và Đầm Trị nói riêng. Đầm Trị là khu vực có nhiều diện tích hồ tự nhiên cũng như cây xanh. Việc xây dựng nhà hát chắc chắn cũng gây ra một số lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khu vực. Nhà hát nổi nhưng nền móng chìm dưới mặt nước, rồi những đường dẫn cũng chiếm tỉ trọng rất lớn trong diện tích cây xanh còn lại trên bản đồ quy hoạch và diện tích xây dựng, kinh doanh thương mại... lại tăng thêm. Ước tính 1/3 diện tích cây xanh và mặt nước khu vực đầm Trị sẽ mất đi.
Hiện nay cũng có những ý kiến cho rằng quy hoạch bán đảo Quảng An có nhiều bất cập trong tiếp cận nguyên lý quy hoạch đô thị đương đại. Ngoài các yếu tố về nghệ thuật, kiến trúc, đảm bảo môi trường sinh thái… cần lắm sự cẩn trọng trong quy hoạch, trong lựa chọn vị trí phù hợp. Vì vậy cần thiết có nhà hát Opera Hà Nội tại khu vực hồ Tây nhưng cũng cần thận trọng khi lựa chọn vị trí cũng như giải pháp kiến trúc, xây dựng để công trình này thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô.