Diệu Huyền ·
2 năm trước
 2655

Đánh đổi đất rừng làm dự án nhiệt điện, nên hay không?

Việc biến đổi khí hậu tiêu cực gần đây có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên, do chuyển đổi đất rừng để thực hiện dự án. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên.Vậy, đánh đổi hơn 24 ha đất rừng làm dự án nhiệt điện có hợp lý?

Tàn phá đất rừng làm dự án nhiệt điện

Vào đầu năm 2018, trước việc bãi chứa tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 lại sắp đầy, lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã có công văn đề xuất xin gần 20 ha đất trồng rừng, trong đó có 17,77 ha đất ngập nước nằm trong ranh giới rừng phòng hộ chắn sóng của Quảng Ninh, tại TP.Cẩm Phả, để làm bãi đổ tro, xỉ.

Bãi thải tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1

Bãi thải tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (Ảnh: Báo Lao Động)

Theo đại diện Công ty Nhiệt điện Mông Dương, do tiêu thụ tro, xỉ chậm nên lượng tro, xỉ ở bãi đổ thải hiện tại đã lên tới 1.702.237 m3 trong khi năng lực của bãi chỉ là 2.250.000 m2. Với gần 540.000 m3 còn lại, bãi thải chỉ có thể đủ chứa nhiều nhất là 8 tháng vận hành. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay cùng công nghệ xử lý thì bãi thải trên dự kiến sẽ quá tải sớm hơn nhiều.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện bản quy hoạch, Công ty này mới tham khảo ý kiến của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh thì được biết diện tích bãi thải số 2 nằm trong ranh giới rừng ngập mặn. Dù đến nay đã điều chỉnh thu nhỏ lại, nhưng bãi thải số 2 vẫn “ăn” vào 1,5 ha rừng keo của dân và đặc biệt là 17,77 ha diện tích đất ngập nước mặn nằm trong ranh giới rừng phòng hộ chắn sóng của Quảng Ninh. Khu vực này cũng khá nhạy cảm do nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Giang, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Công ty muốn xin làm bãi thải ở đâu thì làm nhưng không được động vào khu vực đã có cây rừng ngập mặn. Trong trường hợp xin phần diện tích chưa có rừng thì cam kết và có hướng xử lý để không ảnh hưởng tới nguồn nước và rừng tự nhiên”.

Tại tỉnh Hải Dương, trong quá trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (Công ty Điện lực Jaks) đã tự ý chặt hơn 26 ha rừng khi chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hải Dương. Đồng thời, đào, xúc vận chuyển đi nơi khác hàng triệu m3 đất đồi của hơn 26 ha khi chưa có giấy phép tận thu khoáng sản, gây thất thoát nhiều tài nguyên quốc gia.

Chia sẻ với báo chí, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phát triển điện than làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia. 

Được biết, bãi thải xỉ của nhà máy được xây dựng với tổng diện tích hơn 74 ha. Trong đó có 26,87 ha rừng, bao gồm 15,73 ha thềm rừng gốc là rừng phòng hộ và 11,14 ha rừng sản xuất. Để xây dựng bãi thải xỉ này, Công ty Điện lực Jaks đã chặt hạ nhiều diện tích rừng và triển khai thi công từ giữa năm 2019, thi công khẩn trương từ đầu năm 2020 đến nay trong khi chưa có quyết định giao đất.

Đối với phần diện tích 11,14 ha rừng sản xuất đã được Công ty Điện lực Jaks chặt bỏ từ năm 2019, đồng thời tiến hành cắt tầng các lớp đất đồi, lấy đất đồi san lấp mặt bằng tại chỗ và vận chuyển một phần ra ngoài khu vực. Phần diện tích đất rừng sản xuất đã được bốc xúc từ lâu, nhưng đến tận ngày 7/8/2020, UBND tỉnh mới ra Quyết định số 2277/QĐ-UB về việc chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty Điện lực Jaks thuê đất đợt 3. Quyết định này chỉ mới giao 11,14 ha rừng sản xuất cho Công ty Điện lực Jaks thuê nhưng rừng sản xuất đã bị chặt từ một năm trước.

Như vậy toàn bộ thềm rừng phục vụ xây dựng bãi chứa xỉ thải với tổng diện tích 26,87 ha, Công ty Điện lực Jaks đã cho chặt rừng từ lâu, khi chưa có quyết định giao đất, đồng thời để cho các nhà thầu triển khai thi công, đào khoáng sản đất đồi vận chuyển đi nơi khác, với nhiều vi phạm về quy định về pháp luật.

Loại bỏ hàng loạt các dự án điện trên đất rừng

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, thời gian qua, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên, do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên. 

Cách đây không lâu, UBND tỉnh Bình Thuận gửi tờ trình về việc xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110 kV. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, dự án chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, do còn một số vấn đề về tên gọi dự án cũng như quy mô, diện tích thực hiện dự án. 

Vị trí dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng qua bản đồ vệ tinh

Vị trí dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng qua bản đồ vệ tinh (Ảnh: Doanhnhan.vn)

Đặc biệt, về quy mô, diện tích thực hiện dự án, UBND tỉnh Bình Thuận xác định dự án được thực hiện trên quy mô 45,41 ha. Tuy nhiên, dự án mới nêu thông tin về 28,52 ha rừng tự nhiên (gồm: 23,61 ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,91ha quy hoạch rừng sản xuất). Phần diện tích còn lại chưa có thông tin cụ thể và chưa thống nhất với diện tích nêu trong Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110 kV.

Vì vậy, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, UBND tỉnh Bình Thuận cân nhắc cẩn trọng trong đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên khu vực ven biển. 

Mới đây ngày 23/6, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện, hai dự án đã cấp phép đầu tư gồm Chà Vàl (huyện Nam Giang) công suất 7 MW; ảnh hưởng đến 42 ha đất, trong đó 13 ha rừng phòng hộ; Đăk Pring 2 (huyện Nam Giang) công suất 8 MW, chiếm diện tích 45 ha đất.

Ba dự án mới có chủ trương nghiên cứu đầu tư, gồm: A Vương 4 (huyện Tây Giang và Đông Giang) công suất hơn 10 MW, chiếm gần 83 ha đất, trong đó 3,8 ha rừng sản xuất; Sông Bung 3 (huyện Nam Giang) công suất 16 MW, diện tích 38,6 ha, ảnh hưởng gần 2 ha rừng phòng hộ; A Banh (huyện Tây Giang), công suất 4,2 MW, chiếm 7,7 ha đất, trong đó 5,2 ha rừng sản xuất.

Dự án cuối cùng là Đăk Di 4 (huyện Nam Trà My), công suất 19,2 MW, được cho phép nghiên cứu đầu tư năm 2003 với diện tích 155 ha, trong đó 31,6 ha rừng sản xuất. Năm 2008, theo đề xuất của chủ đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công công trình trong quý IV, năm 2009, song doanh nghiệp không thực hiện. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án này.

VSEA kiến nghị Chính phủ kiên quyết loại bỏ dự án điện than

Mới đây, ngày 1/6, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã gửi Thư kiến nghị, góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) lên Chính phủ. Trong đó, kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp và rủi ro cao.

Theo VSEA, tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn, các địa phương và người dân không ủng hộ.

Tiếp tục phát triển điện than có thể gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và tác động xấu đến sức khỏe của người dân, bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước bị đánh thuế carbon, gây áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong nước.

Nguồn