Thành Phong ·
34 tuần trước
 8945

Dấu ấn thành phố Yokohama trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam

Từ những kinh nghiệm trong công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị, thành phố Yokohama đã cùng với thành phố Hà Nội triển khai những dự án hợp tác hiệu quả mang ý nghĩa quan trọng đối với hạ tầng đô thị và môi trường của Thủ đô.

Những kinh nghiệm quý báu

Những năm 1960, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và sự gia tăng dân số, thành phố Yokohama đã phải đổi mặt với nhiều vấn đề lớn như ô nhiễm không khí, ách tắc giao thông, xử lý chất thải, ô nhiễm nước… Vì vậy, từ những năm 1970 đến những năm 1980, thành phố Yokohama đã đầu tư rất nhiều để giải quyết những vấn đề này. 

Sự ô nhiễm môi trường những năm 1960 tại Nhật Bản.

Cho đến những năm 1950, các chất thải hữu cơ từ người được sử dụng làm phân bón nông nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu về phân bón và đất nông nghiệp dần giảm đi. Sau đó, các chất thải này được xử lý chôn lấp. Năm 1962, khi nhà máy xử lý nước thải đầu tiên ở Yokohama đi vào hoạt động thì việc phát triển và mở rộng bãi chôn lấp gặp khó khăn do sự phát triển nhanh chóng các khu dân cư ở vùng ngoại ô. Vì vậy, Thành phố đã bắt đầu xem xét đến việc chọn lựa một phương pháp xử lý hiệu quả hơn đối với chất thải hữu cơ và bùn ép từ nước thải.

Năm 1965, đã có 3.700 tấn bùn ép được chôn lấp. Những năm 1960, tình hình giao thông trong thành phố trở nên khó khăn. Phương thức chôn lấp xuống biển cũng được xem xét nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân và các bên liên quan trong ngành ngư nghiệp. 

Bước sang những năm 1970, cùng với sự gia tăng của các nhà máy mới và mở rộng mạng lưới cấp nước, lượng bùn ép từ các nhà máy xử lý đã tăng lên. Bùn thải hoàn toàn không bị vứt bỏ vào các bãi chôn lấp ở Yokohama. Tất cả lượng tro đốt đều được sử dụng làm đất san lấp cho các công trình xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng.

Khí phân hủy được sử dụng làm nhiên liệu phát điện và nhiên liệu hỗ trợ đốt. Ngoài ra, để có thể tái sử dụng 100% bùn thải, Yokohama đã phát triển ra thiết bị sấy bùn để sản xuất ra nhiên liệu thay thế than đá. Bùn ép có thể được sử dụng hiệu quả làm năng lượng, sử dụng cho đất trồng cây, đất nông nghiệp, nguyên liệu xây dựng.

Sử dụng hiệu quả bùn nước thải ở TP. Yokohama.

Những dự án hợp tác hiệu quả

Lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam thời gian qua đã triển khai được những hoạt động hợp tác hiệu quả với Thành phố Yokohama - Nhật Bản. Trong đó phải kể đến Dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở Nâng cao năng lực quản lý các công trình thoát nước tại Hà Nội và Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. 

Dự án Hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở nâng cao năng lực quản lý các công trình thoát nước tại Hà Nội- Giai đoạn 1 được thành phố Yokohama và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2017. Sau khi giai đoạn 1 kết thúc, Yokohama đã cùng Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội triển khai Giai đoạn 2 của dự án nói trên từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2023. Các bên đã hoàn thành xong Dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở vào năm 2022. Yokohama đang xem xét những hoạt động hợp tác tiếp theo với thành phố Hà Nội.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được khởi công từ tháng 10/2016 do Công ty JFE Engineering thi công và sắp hoàn thành. JFE Engineering là doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội kinh doanh ngành nước Yokohama.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Dự án có tổng diện tích 13,8ha, nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư.

Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư gần 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA trên 13,7 nghìn tỷ đồng.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất thiết kế 270.000m3/ngày, chiếm 55% lượng nước thải của Hà Nội. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Sự kiện khánh thành nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá dự kiến sẽ là một trong những hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).