Gần đây, báo chí đưa tin hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương nhiều tháng. Ngay cả khi chấm dứt hợp đồng lao động nhưng đến nay là khoảng nửa năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận được số tiền lương trong năm 2020.
Được biết, đó là những công nhân của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội (Trước đây có tên là Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân). Họ phản ánh không phải mình bị nợ lương 1,2 tháng mà là nhiều tháng liên tiêp. Không có chi phí trang trải sinh hoạt, họ đã phải sinh sống khổ sở, phải nhặt ve chai và làm thêm nhiều công việc khác nhau.
Phản ánh về câu chuyện này, hàng loạt tờ báo lớn như VTV, Vietnamnet, Lao Động, Tuổi Trẻ,... đồng loạt lên tiếng thay cho những người công nhân này.
Phản ánh về câu chuyện công nhân bị nợ lương, hàng loạt tờ báo lớn như VTV, Vietnamnet, Lao Động, Tuổi Trẻ,... đồng loạt lên tiếng
Nhận thấy tình cảnh khó khăn đó, 17/6 vừa qua, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, yêu cầu bố trí kinh phí thanh toán tiền nợ lương của công nhân.
Đến ngày 19/6 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đã chi trả 500 triệu đồng cân đối cho 46 công nhân vệ sinh môi trường tổ Cầu Diễn, tổ Tây Mỗ. Phía Công ty này cũng hứa hẹn ngày 10/7/2021 sẽ trả hết phần lương còn lại. Nếu sau ngày 10/7/2021, công ty không trả số tiền nợ lương cho người lao động thì tập thể người lao động sẽ gửi đơn ra Toà án để giải quyết.
Không phải lần đầu tiên công ty Minh Quân nợ lương công nhân?
Vậy nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên công ty Minh Quân nợ lương công nhân. Vậy, câu hỏi đặt ra là năng lực tài chính của công ty này đến đâu, để nợ lương công nhân hết lần này đến lần khác? Và năng lực tài chính đến đâu, để chắc chắn rằng sau lần này sẽ không còn một công nhân vệ sinh môi trường nào còn bị nợ lương nữa?
Tôi tìm hiểu thấy trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2020, Công ty Minh Quân đã trúng gần 30 gói thầu trên địa bàn Hà Nội với tổng trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trúng thầu nhiều là vậy, nhưng tại 9 quận, huyện nơi Công ty Minh Quân nhận thầu vệ sinh thường xuyên chậm lương công nhân.
Chính điều này gây nên tình trạng công nhân đình công, gây ùn ứ rác thải vào thời điểm trước mà chúng ta biết.
Công nhân đình công do bị nợ lương, gây ùn ứ rác thải vào thời điểm trước mà chúng ta biết
Thậm chí có thời điểm (từ ngày 1/10/2019 - 6/10/2019), khối lượng rác thải mà Công ty Nam Hà Nội thu gom về xử lý bằng 0, trong khi khối lượng mỗi ngày cần thực hiện là hơn 40 tấn. Được biết, nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng lao động của công ty lúc bấy giờ đình công vì bị nợ lương nhiều ngày.
Không chỉ thường xuyên nợ lương người lao động, mà doanh nghiệp này còn nợ cả bảo hiểm xã hội.
Theo công bố của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2019, Minh Quân nợ bảo hiểm xã hội của 656 lao động trong 12 tháng là gần 10 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2019, Minh Quân liên tục bị "bêu tên" do nợ đóng bảo hiểm xã hội 16 tháng của 590 lao động, với số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng.
Phải đến ngày 10/12/2020, khi Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội thông tin, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân mới khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH lên tới 20 tỷ 250 triệu đồng, tính đến hết tháng 11/2020.
Tính đến trước tháng 11/2020, hơn 800 công nhân, người lao động của Công ty Minh Quân bị doanh nghiệp này nợ đọng tiền BHXH lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Vậy năng lực tài chính của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội như thế nào?
Câu hỏi đặt ra là năng lực tài chính của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội như thế nào mà lại để xảy ra những việc đáng buồn như vậy?
Nhìn vào cơ cấu tài sản thấy rằng công ty phụ thuộc rất nhiều vào các khoản vay nợ. Theo thông tin của Dân Việt, Công ty Nam Hà Nội duy trì nợ phải trả ở mức có 1 đồng đi vay 4 đồng, đây là tỷ lệ đòn bẩy tài chính đáng báo động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kể cả với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, năm 2016 trong khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ đạt 61,8 tỷ đồng thì nợ phải trả đã lên xấp xỉ 214 tỷ đồng, tương đương hệ số 3,5 lần. Kéo dài sang các năm kế tiếp, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội năm 2017 và 2018 duy trì lần lượt ở mức 3,7 và 3,1 lần. Đặc biệt đến năm 2019, hệ số này tăng vọt lên 4,3 lần.
Trái ngược với sự phình to của các khoản nợ, doanh thu của Công ty Nam Hà Nội khá èo uột và trồi sụt, xu hướng giảm rõ rệt trong giai đoạn 2017 - 2019.
Tờ VietnamFinance cho biết, với cơ cấu nhân sự 5 thành viên (công ty mẹ), Minh Quân đem về 200 tỷ đồng doanh số vào năm 2016, tăng gấp rưỡi lên gần 300 tỷ đồng năm kế tiếp... tuy nhiên đến năm 2019 bất ngờ sụt mạnh còn 130 tỷ đồng.
Có thể thấy, khả năng sinh lời của Minh Quân những năm qua rất yếu kém, và nếu không có sự bứt phá ra khỏi xu hướng kinh doanh thụt lùi thì không ngoại trừ khả năng doanh nghiệp đã gánh một khoản lỗ vào cuối năm 2020.
Sơ qua về thông tin của doanh nghiệp này, tôi thấy một điều khá lạ lùng là việc thay đổi giám đốc cũng như giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh liên tục của doanh nghiệp này. Đầu tiên, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội vốn điều lệ là 59 tỷ đồng, ngành nghề chính theo đăng ký kinh doanh là xây dựng và buôn bán phụ tùng máy.
Thế nhưng chỉ trong 13 năm (2007-2020), Công ty này đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khoảng 20 lần. Sau mỗi lần trúng thầu lên tới hàng nghìn tỷ, công ty lại liên tục thay đổi Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Cụ thể, năm 2016 là ông Phùng Minh Đạt, đến tháng 1/2018 là bà Đinh Thị Dung, đến tháng 8/2018, lại được thay thế bởi ông Phạm Toàn Phước và bước sang năm 2020 là ông Nguyễn Thanh Tùng. Đặc biệt, trong vòng 2 năm từ tháng 8/2018 đến năm 2020 vị trí này tiếp tục được thay đổi 7 lần.
Tới tháng 11/2020, đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Khắc Công sau khi đổi tên từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.
Theo cập nhật mới nhất, đại diện pháp luật của Tập đoàn Nam Hà Nội hiện nay là ông Trần Quang Tuấn (SN 1965). Công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Thêm nữa, mặc dù nhiều "lùm xùm" và thể hiện năng lực yếu kém sau nhiều sự việc nợ lương, nợ bảo hiểm và...đổ trộm rác thải, Công ty CP Nam Hà Nội vẫn vượt qua hàng loạt các đối thủ "nặng ký", có bề dày kinh nghiệm như: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long... để thâu tóm địa bàn Nam Từ Liêm và trúng hàng loạt gói thầu.
Từ những câu chuyện trên, tôi có khá nhiều câu hỏi đặt ra.
Rằng năng lực tài chính với những khoản nợ phình to, doanh thu trồi sụt, khả năng sinh lời yếu kém cùng nhiều "lùm xùm" về việc không làm đúng trách nhiệm với người lao động như vậy, thì dựa vào đâu mà Công ty CP Nam Hà Nội vẫn vượt qua nhiều đối thủ "nặng ký" để trúng hàng loạt gói thầu với tỉ lệ trúng thầu đáng mơ ước đến như vậy?
Tôi biết có giai đoạn công ty này đã từng có tỉ lệ trúng thầu đến 96%, gần như là dự thầu ở đâu trúng thầu ở đó. Tuy nhiên, quá trình làm việc đã bộc lộ rõ năng lực doanh nghiệp, liên tiếp nợ lương, nợ bảo hiểm, đổ trộm rác thải. Rất nhiều những "lùm xùm" về vệ sinh môi trường gắn với cái tên Minh Quân, công nhân đình công do nợ lương, rác thải ngập tràn đường phố, người ta chịu xú uế đến mức không thể nào quên được. Nhưng vì sao, doanh nghiệp này vẫn trúng thầu?
Giờ này, nhiều người vẫn chờ đợi ngày 10/7 tới đây - chính là thời gian mà Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội sẽ thực hiện lời hứa trả hết khoản nợ lương còn lại cho công nhân. Hy vọng công ty sẽ giữ lời, và dù nội bộ có khó khăn thế nào đi chăng nữa, thì cũng làm trọn lời hứa với những người công nhân này theo đúng lời hứa đã kí với họ trong hợp đồng lao động!