Giá nhà tăng vượt quá khả năng tài chính của người dân
Hiện nay, kinh doanh BĐS vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này cho thấy, ngay từ những ngày đầu năm 2023 thị trường BĐS đang đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký 3 Công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản (BĐS), lập tức trong tháng 12/2022, Ngân hàng nhà nước (NHNN) quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng để đẩy vào nền kinh tế.
Thị trường bất động sản 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực, hồi phục, chuyển biến… (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, thị trường BĐS đang gặp không ít khó khăn khi sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Một trong những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở. Một số tập đoàn, doanh nghiệp (DN) BĐS phải thực hiện các giải pháp cấp thời bằng cách thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với mức chiết khấu đến 40-50% giá hợp đồng…
Hoạt động phát hành trái phiếu DN riêng lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN đề xuất Bộ Tài chính giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giãn yêu cầu xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm. Điều này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh…
Đâu là điểm sáng của thị trường bất động sản 2023?
Nhằm đưa BĐS về đúng với giá trị thực, trong tháng 12/2022, liên tiếp 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường BĐS. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu DN"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở".
Cũng trong tháng 12, NHNN đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng của room tín dụng 14% còn lại thì sẽ có tổng nguồn vốn tín dụng khoảng 440.000 tỷ đồng để đẩy vào nền kinh tế ngay trong tháng 12/2022.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay, những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu DN BĐS. Đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn. Phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường BĐS.
chuyên gia kinh tế Vũ Phan Long đánh giá thực tại của thị trường BĐS, chỉ ra những tín hiệu tích cực, kết thúc tháng 11/2022, kinh doanh BĐS vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với 2,76 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cùng đó, ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực.
Các chuyên gia nhận định nền kinh tế đã trở lại đúng hướng, thị trường mua bán, sáp nhập BĐS. Công bố của Cty Cushman & Wakefield ước tính khối lượng giao dịch các thương vụ mua bán, sáp nhập trong 3 quý của năm 2022 đạt hơn 1,5 tỷ USD. Đây cũng là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm vừa qua và chủ yếu tâp trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các TP trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.
Thông qua thị trường vốn, các DN BĐS đã huy động khối lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu để thực hiện các dự án đầu tư, góp vốn đầu tư. Hiện nay, đã có trên 280 DN BĐS phát hành trái phiếu DN để huy động vốn trung, dài hạn. Khối lượng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu của các Cty BĐS đại chúng chiếm 25% tổng khối lượng phát hành năm 2021.
Có thể thấy bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, thị trường vốn đã và đang trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng của các DN BĐS, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.
Trong thời gian tới, theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ thực hiện 3 biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường như: Hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; Công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và truyền thông ổn định tâm lý, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dự báo trong năm tới, thị trường BĐS sẽ diễn biến theo hai kịch bản trái ngược nhau. Điều này phụ thuộc vào những chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ. Trường hợp không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng sau Tết Nguyên đán, thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn. Còn nếu có sự điều chỉnh chính sách về nguồn vốn và trái phiếu sau dịp Tết, theo ông Đính, kịch bản tích cực là thị trường BĐS sẽ ấm dần lên và có sự phát triển ổn định trong năm 2023. |