Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2424

ĐBSCL: Chủ động, linh hoạt ứng phó xâm ngập mặn

ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mùa khô năm 2022-2023, vì vậy, TP. Cần Thơ và các địa phương trong vùng đang chuẩn bị nhiều giải pháp để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm ngập mặn nhằm hạn chết đến sản xuất nông nghiệp.

Các tỉnh ĐBSCL đang chủ động ứng phó với hạn mặn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần hạ lưu giáp biển của sông Mê Kông, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Cùng với dòng chính - sông Tiền và sông Hậu, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt với mật độ trung bình 4 km trong 1 km2, tạo điều kiện thuận lợi cho xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công giảm thấp.

Theo Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ, trong những năm gần đây, cùng với việc khai thác dòng chảy ở thượng nguồn cho mục đích thủy điện và hiện tượng lũ trên sông Hậu có xu hướng giảm dần cả về tần suất và lưu lượng, nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào nội địa là điều đã được dự báo.

Thực tế cho thấy, mùa khô những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở các địa phương vùng ĐBSCL. Đơn cử như tại TP. Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, một số khu vực thuộc địa bàn thành phố xuất hiện rõ nét tình trạng mặn xâm nhập từ biển vào qua tuyến sông Hậu.

Ông Nguyễn Quý Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, tuy nồng độ mặn thấp, thời gian mặn xâm nhập ngắn, nhưng cũng đã gây khó khăn cho người dân lấy nước tưới cho cây trồng. Cụ thể, từ năm 2015 trở về trước, các loại hình thiên tai chủ yếu xảy ra trên địa bàn thành phố là giông lốc, sạt lở, ngập lụt; xâm nhập mặn hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, từ mùa khô từ năm 2015 đến nay, nước mặn đã nhiều lần xâm nhập qua sông Hậu vào địa bàn quận Cái Răng, có thời điểm, nồng độ mặn đo được 3,4‰.

Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, thời điểm giữa mùa khô 2021 - 2022, nước mặn từ biển theo các kênh rạch xâm nhập sâu vào nội đồng các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) với nồng độ mặn rất cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vào khoảng cuối tháng 2/2022, nồng độ mặn đo được tại các trạm trên một số tuyến sông, kênh rạch ở huyện Trần Đề, huyện Long Phú, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) dao động từ 2,5 đến trên 18,4‰. Không chỉ thế, nước mặn từ biển ngày càng tiến sâu vào đất liền và ngâm lâu ở các kênh, rạch, gây nhiều khó khăn cho người dân lấy nước phục vụ sản suất, sinh hoạt”.

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL

Tuy gặp phải nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2018 đến nay, do có sự chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó của cơ quan, đơn vị chức năng và người dân vùng ĐBSCL nên xâm nhập mặn không ảnh hưởng nhiều đến diện tích, năng suất cây trồng cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Cụ thể, tại TP. Cần Thơ, mặc dù tình trạng xâm nhập không khốc liệt như các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, nhưng không vì thế mà các ngành chức năng của thành phố lơ là, chủ quan. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, nước mặn xâm nhập vào địa bàn thành phố chỉ xuất hiện trong vài giờ. Xuất phát từ đặc điểm đó, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố thường xuyên quan trắc diễn biến tình hình xâm nhập mặn và nồng độ mặn để kịp thời thông báo cho người dân ngưng lấy nước.

Ông Nguyễn Quý Ninh cho biết thêm: “Thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, cống ngăn mặn để bảo vệ vùng sản xuất lúa, cây ăn trái quy mô vườn ở các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao hiểu biết vấn đề xâm nhập mặn để chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả”

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, để ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân nắm để linh hoạt sản xuất. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn quy hoạch hơn 250.000ha để xây dựng các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản theo sinh thái nguồn nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Đối với vùng ven biển thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn thuộc các địa phương như Vĩnh Châu, Trần Đề và một phần huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy hải sản dưới tán rừng. Các vùng thuộc huyện Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị,… tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển diện tích lúa và cây ăn trái.