Theo thông tin từ Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Biển Hồ Campuchia hiện có lượng trữ khoảng 7,41 tỷ m3, cao hơn trung bình nhiều năm 0,98 tỷ m3. Dự báo dòng chảy từ Biển Hồ tiếp tục điều tiết lưu lượng về Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) đến cuối tháng 2.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP tại ĐBSCL tăng cường giám sát tình hình xâm nhập mặn (Ảnh minh họa)
Về dòng chảy trên dòng chính sông Mekong, đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa ở Trung Quốc có dung tích trữ còn khoảng 13 tỷ m3, tương đương với 54,7% dung tích hữu ích. Các hồ chứa khác trên lưu vực còn khoảng 53% dung tích hữu ích. Khả năng lượng nước có thể điều tiết cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa khô khoảng 34,7 tỷ m3.
Tổng cục Thủy lợi dự báo 2 kịch bản xâm nhập mặn trong thời gian còn lại của mùa khô ở ĐBSCL. Theo đó, kịch bản 1 (có khả năng xảy ra cao) là hồ chứa thủy điện thượng nguồn như một số năm gần đây chỉ thực hiện giảm xả đến khoảng giữa tháng 2. Phạm vi xâm nhập mặn 4g/lít ở các cửa sông dự báo sẽ bị tác động như trên.
Bên cạnh đó, kịch bản 2 (trường hợp cực đoan, ít có khả năng xảy ra) là hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) duy trì giảm xả đến hết tháng 2 với lưu lượng xả khoảng 650m3/s cùng với việc xả nước muộn ở các hồ chứa khác, dòng chảy về ĐBSCL trong tháng 2 và tháng 3 giảm khoảng 20% so với kịch bản 1.
Trong trường hợp xảy ra kịch bản 2, mặc dù phạm vi xâm nhập mặn tương đối sâu (có thời điểm tương đương mốc lịch sử năm 2016) nhưng thời gian xâm nhập mặn sâu duy trì không dài ngày. Do các diện tích canh tác lúa vụ Đông Xuân đã được chủ động gieo trồng sớm, đang ở thời kỳ chuẩn bị thu hoạch nên không bị ảnh hưởng, chỉ nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 39.000ha diện tích cây ăn trái tại các tỉnh Tiền Giang 14.871ha, Bến Tre 12.670ha, Long An 6.160ha, Sóc Trăng 3.424ha, Vĩnh Long 1.858ha, Trà Vinh 80ha.
Chính vì vậy, để đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo, khẩn trương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao phân tán, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô.
Đặc biệt, lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo: “Xâm nhập mặn bất thường có thể xảy ra do vận hành thủy điện. Ðể đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao. Song song đó là tăng cường công tác giám sát mặn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước...”
Ngoài ra, theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn đối với ĐBSCL là vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng, thiệt hại kinh tế - môi trường càng lớn. Ngoài nguyên nhân chính, còn có các nguyên nhân khác tham gia tạo xâm nhập mặn tại khu vực trên như hiện tượng nóng lên toàn cầu tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.