Đinh Hà ·
3 năm trước
 1676

Đề xuất miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin

Theo Bộ Tài chính, khi Nghị định sửa đổi có hiệu lực, lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin sẽ là 0% trong vòng 3 năm và bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại, cùng số chỗ ngồi trong 2 năm tiếp theo.

Tăng ưu đãi cho ô tô điện chạy pin

Bộ Tài chính vừa công bố kết quả giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.

Trước đó, đầu tháng 8/2021, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xin ý kiến của các hiệp hội, tổ chức..., đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, cá nhân.

Bộ Tài chính cho biết, các ý kiến tham gia đã được cơ quan này tổng hợp, giải trình, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành.

oto điện

Bộ Tài Chính đưa ra nhiều chính sách tăng ưu đãi cho ô tô điện chạy pin.

Điểm đáng chú ý nhất trong phần giải trình về dự thảo Nghị định sửa đổi vừa được công bố  là Bộ Tài chính lên phương án quy định mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày Nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ không bổ sung ưu đãi lệ phí trước bạ cho dòng xe này. Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có thể hứa hẹn là một thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp xe ô tô điện chạy pin và thời điểm này, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau.

Vì vậy, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin của Việt Nam là rất tiềm năng nếu Nhà nước sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa cho ngành này phát triển. Do đó, dự thảo Nghị định sẽ chỉ đề nghị chỉ thực hiện ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin.

Còn đối với các dòng xe ô tô điện khác, Bộ cho rằng, 2 loại xe hybrid và xe hybrid sạc ngoài vẫn di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong, song song tận dụng các lợi ích từ cụm truyền động điện gồm một mô tơ điện với pin. Theo đó, việc sử dụng 2 loại xe này vẫn gây ra ô nhiễm môi trường như các loại xe chạy bằng xăng khác.

Thời cơ cho doanh nghiệp Việt

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ chính là trực tiếp đánh vào người tiêu dùng và gián tiếp đánh vào doanh nghiệp. Giảm lệ phí trước bạ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất ô tô điện chạy pin. Còn với người tiêu dùng sẽ khuyến khích họ sử dụng ô tô điện chạy bằng pin thay thế ô tô nhiên liệu hóa thạch, từ đó góp phần giảm khí thải phát tán ra môi trường. Đề xuất này cả người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất đều được lợi.

Tuy nhiên, theo ông Long, đề xuất này cũng có tác động tiêu cực: “Giảm lệ phí trước bạ sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Bất kỳ chính sách thuế nào giảm cũng sẽ ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. Nhưng thực tế, nguồn thu này không đáng là bao nhiêu bởi ô tô điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lượng xe ô tô đăng ký lệ phí trước bạ”.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: “Đây là chính sách cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này của Việt Nam.

Về lâu dài, cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện, các chính sách phi tài chính khác. Các cơ chế chính sách như vậy mới có thể thu hút và hỗ trợ các nhà sản xuất phát triển công nghệ ở thị trường Việt Nam, tránh trường hợp các biện pháp hỗ trợ lại làm lợi cho xe nhập khẩu”.

Nguồn