Minh Anh ·
1 năm trước
 6925

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học

Theo đề xuất, khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị Dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), trong đó, một trong những định hướng sửa đổi đáng chú ý là mở rộng đối tượng chịu thuế Bảo vệ môi trường.

Theo đó, Bộ đề nghị bổ sung Dự án Luật thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội. Một trong những định hướng sửa đổi đáng chú ý trong dự thảo báo cáo là mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, ngoài túi nylon đang thuộc diện chịu thuế, sẽ bổ sung hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế với tên gọi chung là “bao bì khó phân hủy sinh học”. Khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước. Mục đích là nhằm hạn chế sử dụng túi nylon, hộp nhựa xốp… cũng như chưa khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế.

Đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước.

Theo Bộ Tài chính, hiện sản phẩm hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm (gọi chung là hộp nhựa xốp) đang được sử dụng rất rộng rãi. Loại vật dụng này được các các cơ sở chế biến thực phẩm, các nhà hàng kinh doanh ăn uống ưa chuộng vì ngoài việc sử dụng tiện lợi, nhẹ thì loại sản phẩm này có giá thành rất rẻ.

Tuy nhiên, việc sử dụng hộp nhựa xốp để đựng thực phẩm được cảnh báo ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe và môi trường. Cũng giống như túi nylon, các sản phẩm hộp nhựa xốp rất khó phân hủy và thường mất rất nhiều thời gian trong việc phân hủy ngoài môi trường (thường phải mất từ 400 - 1.000 năm). Mặc dù Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế việc sử dụng hộp nhựa xốp, nhưng do giá thành rẻ, cộng thêm thói quen sử dụng và vứt bỏ rác thải sinh hoạt của người dân Việt Nam vẫn còn tương đối mất kiểm soát nên tình trạng sử dụng và xả thải hộp nhựa xốp vẫn tràn lan.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng áp dụng thuế Bảo vệ môi trường như một trong những công cụ quan trọng nhất để kéo giảm việc sử dụng túi nylon khó phân hủy với mức 50.000 đồng/kg. So với các nước, có thể thấy khung và mức thuế Bảo vệ môi trường của Việt Nam là rất thấp, đáng lo ngại hơn, vì nhiều lý do, tình trạng thất thu ngân sách từ thuế Bảo vệ môi trường với túi nylon rất đáng báo động.

Theo thống kê, nếu nhân mức thuế Bảo vệ môi trường với lượng túi nylon nước ta tiêu thụ thì số tiền thu được phải là hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ thu được khoảng 70 tỷ đồng - số tiền quá nhỏ để có thể tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng túi mặt hàng này.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon. Ví dụ: Anh: 5 penny/túi, tương đương 1.400 đồng/túi; Ailen: 22 cent/túi, tương đương 6.600 đồng/túi; Hong Kong (Trung Quốc): 50 cent/túi, tương đương 1.500 đồng/túi; Estonia đang dự kiến thu thuế đối với túi nylon ở mức 2 kroons/túi, tương đương 3.000 đồng/túi…

Một số nước khác còn ban hành lệnh cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon. Đơn cử, Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon có độ dày nhỏ hơn 0,025 mm; Ấn Độ cấm sử dụng túi mỏng dưới 50 micron; Đài Loan (Trung Quốc) cấm sử dụng túi nhựa mua sắm mỏng hơn 0,06 mm. Thậm chí, Mỹ cấm hoàn toàn sử dụng túi nylon.

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nước sử dụng túi nylon nhiều nhất trên thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon một ngày (phần lớn là túi khó phân hủy).

Vì vậy, đưa hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế cùng với túi nylon và tăng thuế suất Bảo vệ môi trường với những mặt hàng này là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng “ô nhiễm trắng”. Mức tăng bao nhiêu thì các cơ quan chức năng cần phải tính toán kỹ lưỡng. 

Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách nên xem xét đánh thuế theo số lượng túi, hộp nhựa xốp thay vì trên khối lượng như hiện nay. Điều này giúp tránh được tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nylon mỏng vốn gây tác hại lớn hơn đến môi trường. Khi chi phí đội lên buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc nghiêm túc về số lượng túi phát miễn phí cho khách hàng hoặc buộc người tiêu dùng phải chia sẻ chi phí này. Có như vậy mới hy vọng khiến người dân thay đổi thói quen dùng túi nylon, hộp nhựa xốp tràn lan rồi xả ra môi trường gây ô nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) nhận định, đề xuất tăng thuế và tăng cường quản lý cấp phép với hệ thống kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa. Nói không với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về tái sử dụng.

Ông Nga cũng cho rằng cần có sự phối hợp và lãnh đạo mạnh mẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ/ngành liên quan, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như tác hại khi sử dụng túi nylon, đồ nhựa. Vận động người dân “nói không với túi nylon”, xả rác đúng nơi quy định và chủ động phân loại rác ngay tại nguồn.

Cùng với đó là kết hợp với các nhà máy xử lý chất thải tăng cường các hoạt động thúc đẩy ý thức người dân như: đổi rác nhựa lấy đồ dùng như cây cảnh, đồ ăn, mũ bảo hiểm… để tiện thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.