TM ·
2 năm trước
 2476

Đến hạn chót nhưng chưa doanh nghiệp nào nộp tiền đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm

Ngày 5/4, Cục Thuế TP.HCM cho biết, hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá 2 lô đất trong Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Đến hạn nhưng 2 doanh nghiệpvẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước

Thông tin cho biết, ngoài 2 doanh nghiệp đã xin bỏ cọc thì 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp 7.820 tỷ đồng cho TP.HCM, dù ngày 6/4 là hạn chót.

Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ, Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất được miễn nộp lệ phí trước bạ nhưng đến nay vẫn chưa nộp tiền. Tạm tính đến cuối tháng 2/2022, tiền phạt chậm nộp của 2 công ty này là hơn 22 tỷ đồng.

Đến hạn chót nhưng chưa doanh nghiệp nào nộp tiền đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm - Ảnh 1
Hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá 2 lô đất trong Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Ngày 6/4 là hết hạn nộp tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm nhưng hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào chuyển tiền cho TP.HCM.

Trước đó, vào sáng 21/3, Cục Thuế TP.HCM đã có buổi làm việc với Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega liên quan đến việc chậm nộp tiền 2 lô đất trúng đấu giá trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đại diện Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega tại buổi làm việc này hứa với Cục Thuế TP.HCM sẽ cố gắng nộp số tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, 2 doanh nghiệp này đang huy động vốn để nộp gần 8.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất trúng đấu giá.

Vào ngày 6/1, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021.

Theo quy chế, trong hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo trên, các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo trên, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại (đợt 2).

Sau đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12 (diện tích 10.059,7 m2) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc. Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 (diện tích 5.009, 1 m2) phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ cũng xin không tiếp tục thực hiện dự án.

Còn lại, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2) đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1 m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào đóng tiền cho TP.HCM.

Theo quy định, nếu quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 thì doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Đến hạn chót nhưng chưa doanh nghiệp nào nộp tiền đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm - Ảnh 2
TP.HCM đang chịu áp lực về việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.

Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước. Tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Ông Lê Duy Minh cho biết, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, hiện nay Cục Thuế đang chịu áp lực về việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất. Ngoài 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin bỏ cọc, còn lại 2 lô đất với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng thì Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.

Cần sớm sửa đổi quy định pháp lý

Sự việc một số DN bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất đã chỉ ra những vấn đề còn thiếu trong pháp luật đấu thầu của Việt Nam, cần phải sửa luật cho phù hợp, quy định rõ ràng việc ai là người được quyền tham gia, mức độ tiềm lực tài chính thế nào, vốn pháp định ra sao... để những người tham gia phải có tiềm lực tài chính thật và thực sự muốn có đất để đầu tư dự án.

Cùng với đó, không ngoại trừ những chiêu trò của DN khi tham gia đấu giá, đấu thầu. Chẳng hạn, một DN đưa mức giá cao sau đó xin rút lui ngay tại phiên đấu giá, phần thắng sẽ rơi vào người thứ hai với mức giá đưa ra thấp hơn rất nhiều. Như vậy, tính minh bạch trong hoạt động đấu giá cần phải được thực hiện ở tất cả các khâu, vì nó sẽ gây ra thiệt hại cho cả Nhà nước và thị trường BĐS.

Đến hạn chót nhưng chưa doanh nghiệp nào nộp tiền đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm - Ảnh 3
GS.TSKH Đặng Hùng Võ.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta phải sửa Luật Đấu thầu, không thể để lỏng lẻo như hiện nay. Quan trọng nhất là điều kiện tham gia đấu giá, đấu thầu phải thật cao. Người tham gia cũng phải được chọn lọc giống như chọn chủ đầu tư của một dự án, ví dụ DN vốn pháp định khoảng 800 tỷ đồng mà tham gia đấu giá lô đất hàng nghìn tỷ đồng là không hợp lý”.

Theo đánh giá, quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá hiện nay còn lỏng lẻo. Đơn cử, Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện "có năng lực tài chính" hoặc điều kiện "không vi phạm pháp luật về đất đai" của nhà đầu tư tham gia, hay phương pháp định giá đất để xác định giá cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá còn bất cập... Đặc biệt, Luật Đấu giá 2016 chưa quy định việc xử lý vi phạm trong trường hợp đặt giá cao để trúng đấu giá rồi bỏ cọc như đã xảy ra.

Đến hạn chót nhưng chưa doanh nghiệp nào nộp tiền đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm - Ảnh 4
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu: "Phải sớm xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất, pháp luật về đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư... Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị đề nghị áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc bỏ phiếu gián tiếp".

Luật sư Trịnh Hữu Đức, Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận: “Theo tôi, đề xuất của Bộ TN&MT về việc xử phạt nặng trường hợp bỏ cọc đấu giá đất bằng hình thức phạt tiền bổ sung và cấm tham gia các cuộc đấu giá khác trong 5 năm cần sớm được xem xét thông qua, phải có một công cụ pháp lý mạnh trong quá trình thực hiện thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng nhờn luật như những gì đã xảy ra thời gian gần đây”.

Đến hạn chót nhưng chưa doanh nghiệp nào nộp tiền đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm - Ảnh 5
Chuyên gia tư vấn cấp cao (Công ty GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa.

Chuyên gia tư vấn cấp cao (Công ty GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa: "Rút kinh nghiệm từ cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, cơ quan Nhà nước cần thêm cơ chế kiểm soát tư cách nhà đầu tư tham gia thông qua việc chứng minh năng lực, ý tưởng thực hiện dự án...

Các tiêu chuẩn sàng lọc nghiêm ngặt lịch sử hoạt động của DN, chế tài mạnh để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực nằm trong tầm tay Nhà nước có thể làm nhanh. Bên cạnh đó, cần hội đồng đánh giá hoạt động đấu giá đất độc lập, hạn chế rủi ro làm méo mó thị trường, thúc đẩy hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch để tăng nguồn thu cho ngân sách”.

Bỏ cọc trong đấu giá đất gây ra khó khăn cho công tác quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và đầu tư của Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế cần tăng mức đặt cọc đối với tài sản đấu giá, đồng thời nên quy định rõ ràng về các chi phí phải bồi thường khi nhà đầu tư bỏ cọc, vừa mang tính răn đe vừa tạo ra hành lang pháp lý để xử lý nếu xảy ra vi phạm. Đấu giá đất đai là cách tiếp cận chính sách hợp lý để tăng hiệu quả thị trường, nguồn thu ngân sách. Vì vậy, bên cạnh xử lý nghiêm trường hợp trục lợi, việc hoàn thiện hàng rào kỹ thuật được xem là vấn đề cấp bách.

Bùi Hằng