Thanh Tâm ·
1 năm trước
 8874

Đến năm 2022, Việt Nam có gần 15 triệu ha rừng

Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, diện tích rừng tại Việt Nam bao gồm rừng trồng chưa khép tán là hơn 14,79 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng cả nước là 42,02%.

Bộ NN&PTNT vừa công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022. Theo đó, diện tích rừng bao gồm rừng trồng chưa khép tán là hơn 14,79 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng cả nước là 42,02%.

Cụ thể, trong số diện tích rừng trồng chưa khép tán thì diện tích rừng tự nhiên khoảng 10,13 triệu ha; rừng trồng khoảng 4,65 triệu ha. Còn diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13,92 triệu ha.

Quyết định cũng nêu rõ, Bộ NN&PTNT giao Cục Kiểm lâm thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia theo quy định về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp; tổ chức quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng trên phạm vi toàn quốc.

Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2022, các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Tỷ lệ che phủ rừng cả nước trong năm 2022 là 42,02%. (Ảnh minh họa).

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha rừng bị mất.

Do đó, trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỷ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp.

Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Trong đó, khoảng 690 triệu cây xanh sẽ được trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, bình quân mỗi năm trồng 138 triệu cây xanh. Khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất sẽ trồng thêm 310 triệu cây. Như vậy, bình quân mỗi năm trồng 62 triệu cây gồm rừng đặc dụng, phòng hộ là 14 triệu cây/năm; trồng rừng sản xuất khoảng 48 triệu cây/năm.

Năm 2021, mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, nhưng thực hiện Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh", cả nước đã trồng được 277.000 ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán (vượt 10% so với kế hoạch).

Đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2.

Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201 ha; trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; rừng trồng là 4.573.444 ha.

Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108 ha, tỉ lệ che phủ là 42,02%.

Năm 2023, chủ đề Ngày quốc tế Rừng là “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”.

Rừng giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa môi trường và sinh vật. Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Đây là một quần lạc địa sinh. Trong đó bao gồm đất, khí hậu và sinh vật rừng tạo nên một quần thể thống nhất. Có quan hệ tương trợ lẫn nhau.