Hải Yến ·
2 năm trước
 1459

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 25,5 m2/người

Trong kế hoạch đặt ra năm 2022 của ngành xây dựng, phấn đấu diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 25,5 m2/người. Năm 2021, diện tích nhà ở đạt 25 m2/người.

Đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách về chất lượng nhà ở tại khu vực nông thôn với khu vực thành thị, hướng tới chất lượng xây dựng và tiện nghi nhà ở tại khu vực nông thôn tương đương với khu vực đô thị. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 30 m2 sàn/người.

Thống kê của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, tính đến thời điểm này, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, con số này đã tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực, Bộ Xây dựng nhận định.

Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành lập Tổ công tác liên ngành do 1 Thứ trưởng phụ trách, chủ động làm việc với các địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Song song đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn, triển khai cho vay hỗ trợ đối với các đối tượng. Tính đến nay, các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong 3 quý đầu của năm 2022, các địa phương đã khởi công được 17 dự án với tổng số 31.230 căn hộ.

Để ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” bất động sản và tác động tiêu cực của việc đấu giá quyền sử dụng đất đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có nhiều báo cáo gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và những tháng “nóng” đầu năm 2022, dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó là đánh giá tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá và tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương...

Bộ Xây dựng đồng thời cũng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cụ thể tình hình, diễn biến dòng vốn vào thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, từ việc thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước được giao, kết hợp với giải pháp quyết liệt của các địa phương và cơ quan thuế, thị trường bất động sản hiện nay cơ bản đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.

Về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, trong những tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu, tập trung xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; lấy ý kiến từ chuyên gia, đối tượng chịu tác động để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thêm dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; thực hiện kiểm tra việc quản lý nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương. Riêng với thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Bộ Xây dựng sẽ theo sát tình hình để kịp thời tham mưu, điều chỉnh phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực và đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

Ông Nguyễn Quang, giám đốc Chương trình UN-Habitat tại Việt Nam từng chia sẻ: “Việc cải thiện hệ thống cung cấp nhà ở, đưa ra các giải pháp nhà ở đa dạng và tạo ra các cơ hội để cải thiện nhà ở theo quy mô là rất cần thiết, từ đó ngăn chặn những dự án phát triển đất đai không chính thức cũng như quá trình hình thành nhà ở không chính thức”.