Minh Quân ·
3 năm trước
 3940

Động đất liên tục tại Kon Tum, nghi do các thuỷ điện tích nước

Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện nhiều trận động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. May mắn, các trận động đất không gây thiệt hại về người và của. Nguyên nhân động đất nhiều khả năng là do các thủy điện tiến hành tích nước.

Trước thông tin trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 4 đến nay xảy ra 11 trận động đất, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình dư chấn động đất trên địa bàn, đồng thời có thể mời chuyên gia khảo sát, đánh giá để khuyến cáo chính xác cho người dân.

Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum giao UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, thông tin về động đất và dư chấn do động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trên địa bàn; chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra sự cố để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Ảnh: Internet

Động đất ở huyện có nhiều thủy điện vừa và nhỏ

Ngày 27.4, Đại diện văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại do các trận động đất vừa xảy ra, các trận động đất thường diễn ra trong vòng vài giây, với tần suất cao.

Trước đó, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum để cảnh báo, thông tin về các trận động đất, các đợt xảy ra rung chấn. Theo đó, trong vòng 18 ngày, đơn vị này ghi nhận tại tỉnh Kon Tum có tổng cộng 10 trận động đất, chủ yếu là các trận động đất nhỏ.

Huyện miền núi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển là huyện Kon Plông có số trận động đất nhiều nhất. Vào ngày 21.4, hai trận động đất đã xảy ra tại huyện này với độ lớn lần lượt là 2,6 và 2,8 độ richter. Các huyện khác như: Đắk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy... cũng ghi nhận có động đất.

Theo nhận định ban đầu, các đợt rung chấn có thể là động đất kích thích do các nhà máy thủy điện tích nước, giống như từng xảy ra với thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam. Động đất xảy ra liên tiếp sau khi hồ chứa tích nước, lại xảy ra trên đới đứt gãy từng ghi nhận động đất kích thích.

Ảnh: Internet

Đến 81 vị trí thuỷ điện vừa và nhỏ tại địa phương

Nguy cơ cao xảy ra trận động đất lớn gây hậu quả nghiêm trọng .Trước tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình dư chấn động đất, để kịp thời phát hiện, thông tin và báo cáo tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo về động đất và dư chấn do động đất.

Đồng thời, yêu cầu hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trên địa bàn. Ông Sâm yêu cầu chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra sự cố để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Trong những năm gần đây, hàng loạt dự án thủy điện vừa và nhỏ được khởi công, xây dựng ở tỉnh Kon Tum đã và đang gây nhiều hậu quả nặng nề lên đời sống, kinh tế người dân.

Theo ông Nguyễn Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, qua rà soát đến nay trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 868,8 MW. Trong đó, 27 dự án đã hoàn thành có tổng công suất 325,4 MW, 10 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng có tổng công suất 167,1 MW, 38 dự án công trình đang lập dự án đầu tư có tổng công suất 340,7 MW...

Ảnh: Internet

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu tỉnh Kon Tum rà soát, đánh giá lại việc quy hoạch thủy điện, tránh gây thiệt hại về rừng, đất sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên. Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định loại bỏ 47 vị trí, trong đó 41 vị trí ra khỏi quy hoạch và 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.

UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo Sở NNPTNT, Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện khắc phục sự cố, hư hỏng nếu có, để đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác vận hành. Không riêng những trận động đất, việc tích nước, xả lũ của thủy điện không đúng quy trình sẽ gây ảnh hưởng đến đất đai sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hạ du.