Thanh Tâm ·
2 năm trước
 5919

Đồng Nai: Dự án nhà máy điện rác cần sớm được triển khai

Trước việc lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các chuyên gia cho rằng, địa phương này cần sớm triển khai các dự án nhà máy điện rác đã được quy hoạch để xử lý triệt để, tăng khả năng tái sử dụng và giảm chôn lấp rác.

Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các khu xử lý chất thải hiện hữu vẫn đủ công suất tiếp nhận, xử lý chất thải phát sinh đến năm 2025. Tuy vậy, để xử lý triệt để rác thải, tăng khả năng tái chế và tái sử dụng, đồng thời giảm chôn lấp cần tiếp tục đổi mới công nghệ. Trong đó, đốt rác phát điện là công nghệ được khuyến khích đầu tư vì không chỉ xử lý triệt để rác thải mà còn có thể thu hồi năng lượng tái sinh. Hiện một số tỉnh, thành phố đã có dự án đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường như: TP. Cần Thơ, Hà Nội.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu sẽ giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác tại Đồng Nai.

Theo kế hoạch dự kiến, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu có quy mô diện tích khoảng 12ha, công suất xử lý giai đoạn 1 khoảng 800 tấn/ngày, tạo ra sản lượng điện khoảng 160 ngàn MWh/năm; giai đoạn 2 sau năm 2030 tăng lên 1,2 ngàn tấn/ngày. Dự án được đề xuất triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Tổng vốn đầu tư khoảng 2000 tỷ đồng từ nguồn chủ sở hữu và huy động, không dùng vốn ngân sách.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân được đánh giá là sẽ đáp ứng được các mục tiêu như có công nghệ đốt rác phát điện tốt, đảm bảo xử lý rác thải sinh hoạt của TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và vùng lân cận; giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải sau xử lý còn khoảng 5%; có mức giá xử lý chất thải phù hợp.

Thông tin về dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai - Thái Thanh Phong cho rằng, dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh) từ năm 2018 theo đề xuất của tỉnh. Dự án không gây ảnh hưởng đến phát triển lưới điện mà ngược lại còn tăng khả năng cung cấp cho lưới điện 110kV của tỉnh, bổ sung nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với công suất khoảng 160.000 MWh/năm ở giai đoạn 1.

Theo đánh giá của các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai công nghệ đốt rác phát điện là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt vì có thể thu hồi năng lượng và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Triển khai dự án trong giai đoạn 2022-2025 là phù hợp với quy hoạch các khu xử lý chất thải của tỉnh, giúp tỉnh không phải đầu tư thêm dự án mới trong 10 năm tới.

Nhiều nội dung cần được làm rõ để dự án sớm triển khai

Phát biểu tại cuộc họp về nội dung liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào sáng 20/7 vừa qua, ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, tờ trình quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân chưa được thông qua vào kỳ họp đầu năm vì cần phải làm rõ thêm các nội dung như việc áp dụng phương thức đối tác công tư thì cơ chế xử lý tài chính như thế nào; trường hợp dự án đi vào hoạt động nhưng không đủ nguồn rác cho nhà máy hoạt động theo công suất thì ngân sách chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư ra sao; các địa phương trong tỉnh đang tổ chức đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt hàng năm, dự án đốt rác phát điện cũng phải tham gia đấu thầu hay được chỉ định thầu để có rác.

Cùng với đó, ông Phước đề nghị làm rõ dự án này thuộc diện đấu giá đất hay đấu thầu, hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đàm phán cạnh tranh hay hợp đồng. Đồng thời cũng xác định loại hình công nghệ đốt để làm cơ sở xem xét cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho dự án.

Sơ đồ công nghệ tổng quát đốt nguyên khối rác thải & phát điện.

Đối với những nội dung trên, các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra những nhận định, giải pháp trong cuộc họp. Cụ thể, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai - Trần Trọng Toàn cho rằng, nếu dự án này được triển khai trong giai đoạn 2022-2025 thì từ nay đến năm 2030, Đồng Nai không phải đầu tư thêm các khu xử lý mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu xử lý, chỉ tiêu chôn lấp chất thải.

Về nguồn rác đầu vào, theo tính toán của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, đến năm 2025 lượng rác phát sinh khoảng 2,5 ngàn tấn/ngày và năm 2030 khoảng 3,1 ngàn tấn/ngày, như vậy đủ rác cung ứng cho nhà máy theo công suất thiết kế mà không ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào của các dự án xử lý rác hiện hữu. Để chuẩn bị cho dự án này, tỉnh đã tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm một số dự án đang hoạt động hiệu quả trong nước.

Còn theo ông Phan Trung Hưng Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám định đầu tư (Sở KH-ĐT), đơn vị đề xuất triển khai dự án cho biết, Sở KH-ĐT đã cơ bản hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của HĐND tỉnh. Cuối tháng 7 này, Sở hoàn chỉnh nội dung trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Ông Hà cho rằng, vấn đề hiện nay là thống nhất phương thức đầu tư, nguồn vốn và nguồn rác đầu vào để trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án. Các nội dung chi tiết về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, thành lập hội đồng thẩm định công nghệ, giá xử lý nên để sau khi có quyết định chủ trương đầu tư tiếp tục bàn.

Còn về phía Sở Tài chính đánh giá dự án này có ưu điểm không dùng vốn ngân sách, đi vào hoạt động có thể tiết kiệm chi phí ngân sách bỏ ra để xử lý chất thải do năng lượng tạo ra được bán cho ngành điện với mức giá hơn 2 ngàn đồng/kWh. Dự án phù hợp với định hướng chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Nguồn: kinh tế Môi trường