Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3535

Đồng Nai: Khu quy hoạch chức năng xử lý rác sinh hoạt thì phải tiếp nhận, xử lý rác

Đó là ý kiến của ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong buổi kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư các KXL chất thải Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) về những tồn tại khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt.

Nhiều nhà máy xử lý rác thải tại Đồng Nai không phát huy được hiệu quả tối đa, từ đó gây nhiều áp lực cho môi trường và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Cụ thể, chia sẻ với ngành chức năng tại buổi kiểm tra vào ngày 11/11, đại diện Khu xử lý (KXL) chất thải Xuân Tâm (do Công ty TNHH Cù Lao Xanh làm chủ đầu tư) muốn tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn thiện hạ tầng dây chuyền phân loại ,sản xuất phân compost và các thủ tục môi trường.

Bởi theo ông Vũ Văn Chữ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cù Lao Xanh, dự án KXL chất thải Xuân Tâm nằm trong danh mục các dự án, công trình cấp bách/khẩn cấp theo Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 13-9-2011 của UBND tỉnh để xử lý bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường và rác phát sinh tại huyện Xuân Lộc.

Được sự chấp thuận của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, Công ty đã tạm thời tiếp nhận rác song song với đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình. Tuy nhiên, vì cùng lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ nên Công ty đã không kịp thời xin giấy phép xây dựng.

Năm 2018, UBND huyện Xuân Lộc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng và yêu cầu Công ty liên hệ cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục giấy phép xây dựng. Khi Công ty chấp hành xong việc nộp phạt và làm thủ tục xin giấy phép thì Sở Xây dựng lại có văn bản yêu cầu huyện Xuân Lộc truy nộp số lợi bất hợp pháp dự kiến 35 tỷ đồng.

“Các công trình đều xây dựng đúng quy hoạch 1/500, phục vụ cho xử lý rác sinh hoạt, chỉ chậm xin giấy phép. Công ty đã chấp hành theo quyết định xử phạt của huyện. Nếu bị phạt thêm 35 tỷ đồng, công ty không thể tiếp tục xử lý rác sinh hoạt vì doanh thu xử lý rác vẫn chưa bù đắp được chi phí đầu tư” - ông Chữ chia sẻ.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và chất thải thông thường tại xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) được UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung quy hoạch và giao cho Công ty TNHH Thương mại - Môi trường Thiên Phước làm chủ đầu tư từ năm 2011. Dự án có quy mô diện tích sử dụng đất hơn 19ha, với công suất xử lý rác sinh hoạt 87 tấn/ngày, rác nguy hại 90 tấn/ngày và rác công nghiệp thông thường là 612 tấn/ngày.

Khu xử lý chất thải của Công ty TNHH Thương mại Môi trường Thiên Phước tại xã Xuân Mỹ ngưng tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt từ tháng 6/2021 gây khó khăn cho công tác xử lý rác trên địa bàn

Sau gần 5 năm xử lý bằng chôn lấp, đến năm 2019, Công ty TNHH Thương mại - Môi trường Thiên Phước mới chính thức hoàn thiện đầu tư dự án và đưa vào vận hành lò đốt để giảm tỷ lệ chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng hoạt động, lò đốt phải tạm dừng vì không có hệ thống quan trắc khí thải tự động theo quy định, vi phạm về xả khí thải ra môi trường.

Trong thời gian tạm ngưng để khắc phục các vi phạm trên, khu vực lưu trữ rác và lò đốt chất thải sinh hoạt lại xảy ra hỏa hoạn làm hư hỏng máy móc, thiết bị… Và từ đó đến nay lò đốt chất thải rắn sinh hoạt không được Công ty TNHH Thương mại - Môi trường Thiên Phước sửa chữa, dù đơn vị quản lý địa phương đã nhắc nhở nhiều lần.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Bé, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường - thương mại Thiên Phước cho biết: “Chúng tôi xác định, xử lý rác sinh hoạt là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội nên rất quyết tâm làm. Tuy nhiên, quá trình làm thiếu may mắn vì khi đó pháp luật môi trường quy định lò đốt rác phải lắp quan trắc khí thải tự động nhưng đến năm 2021 quy định này đã bỏ. Công trình đầu tư không vận hành được, rồi xảy ra hỏa hoạn, dịch bệnh… làm doanh nghiệp càng khó khăn về tài chính”.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, khu quy hoạch chức năng xử lý rác sinh hoạt thì phải tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt. Nhà đầu tư được tỉnh giao đất làm dự án phải có trách nhiệm đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ đảm bảo tiếp nhận và xử lý rác theo công suất được duyệt. Phải tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, xây dựng và yêu cầu về bảo vệ môi trường của tỉnh.

Đối với KXL chất thải sinh hoạt - công nghiệp - nguy hại Xuân Mỹ phải thực hiện đúng cam kết là sửa chữa lò đốt, gia cố nhà xưởng và làm các thủ tục môi trường để đủ điều kiện tham gia đấu thầu xử lý rác sinh hoạt năm 2023 của huyện Cẩm Mỹ. Nếu nhà đầu tư tiếp tục “lỡ hẹn”, tỉnh sẽ xem xét thu hồi dự án giao đơn vị khác thực hiện.

Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng đề nghị chủ đầu tư KXL rác Xuân Tâm duy trì tiếp nhận, xử lý rác cho huyện Xuân Lộc, không để phát sinh điểm nóng về môi trường. Chủ đầu tư xây dựng kế hoạch hoàn thiện dây chuyền phân loại và sản xuất phân compost, hoàn tất các thủ tục môi trường. Sở Xây dựng có trách nhiệm, chủ trì làm việc với các sở, ngành liên quan và huyện Xuân Lộc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết kiến nghị của Công ty về cơ chế đặc thù khi thực hiện các hạng mục công trình khẩn cấp, cấp bách nhằm giảm ô nhiễm, sự cố môi trường.