Huyền My ·
2 năm trước
 3605

Đồng Nai: Thực hiện giám sát thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp

Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Thông báo số 2278/TB-KCNĐN về thực hiện giám sát thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và báo cáo tình hình xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn năm 2022.

Hiện trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai có tất cả 31 KCN đi vào hoạt động được trang bị nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó 25 KCN có trạm quan trắc tự động nước thải.

Thông tin về kết quả kiểm soát nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2022, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai - ông Đặng Minh Đức cho biết, Đồng Nai được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về các KCN tập trung. Hiện trên toàn địa bàn tỉnh có tất cả 31 KCN đi vào hoạt động được trang bị nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó 25 KCN có trạm quan trắc tự động nước thải.

Mặc dù suốt thời gian qua, việc xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện cho tỉnh huy động các nguồn vốn, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo được cơ hội việc làm cho hàng nghìn người lao động, nhưng điều này cũng gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Điều đáng mừng là bằng sự nỗ lực, quyết tâm trong việc thực hiện các giải pháp như: Chủ động chi ngân sách để đầu tư các công trình, chú trọng dự án bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm tra, giám sát và hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp (DN) thứ cấp thực hiện các quy định, Đồng Nai cơ bản đã chủ động kiểm soát được các nguồn thải công nghiệp trên địa bàn hiện nay.

Cụ thể về nước thải, tại các điểm KCN, hệ thống liên quan đến xử lý nước thải đều trang bị hiện đại và được truyền dữ liệu về Sở TN-MT để hỗ trợ cho công tác theo dõi, giám sát.

Tỉnh Đồng Nai cơ bản đã chủ động kiểm soát được các nguồn thải công nghiệp trên địa bàn hiện nay.

Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng hợp tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra định kỳ và đột xuất về việc thu gom, xử lý nước thải và đôn đốc các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động thực hiện nghiêm chỉnh quy định đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của KCN nhằm hạn chế tối đa các phát sinh nước thải ra môi trường.

Về khí thải, đối với các doanh nghiệp có phát sinh khí thải, Sở TN&MT buộc đơn vị phải thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường. Kết quả quan trắc không khí 6 tháng đầu năm tại 26 KCN ở Đồng Nai cho thấy, hầu hết các thông số đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Chỉ có 3 KCN có thông số bụi vượt quy chuẩn từ 1-1,4 lần tại thời điểm đo là Thạnh Phú, Nhơn Trạch và Lộc An - Bình Sơn và KCN Gò Dầu có thông số bụi PM10 vượt quy chuẩn.

Về chất thải rắn, Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký khối lượng thải ra. Về quy trình, chất thải rắn được thu gom, phân loại tại doanh nghiệp sau đó xử lý theo 2 hình thức là hợp đồng với đơn vị có nhu cầu hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải không còn giá trị thương mại. Đối với chất thải nguy hại, doanh nghiệp buộc phải thu gom, phân loại, lưu trữ và hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Theo kế hoạch, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong thời gian tới, từ ngày 1 đến 24/11, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai sẽ phối hợp với Sở TN&MT và UBND cấp huyện nơi có KCN để làm việc với các công ty đầu tư hạ tầng về việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và tình hình xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN.

Việc giám sát thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và vận hành nhà máy của các nhà máy xử lý nước thải sẽ hướng đến mục tiêu nhằm đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp phải tuân thủ quy định về môi trường đối với nước thải, kiểm soát khối lượng phát sinh và chất lượng nước thải sau xử lý, việc đầu tư công trình phòng ngừa và hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường.