Sang Ngọc ·
2 năm trước
 6013

Đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn 60 năm qua tại một số nước trên thế giới

Không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, làm tê liệt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nắng nóng kỷ lục còn tiềm ẩn những tác động tiêu cực sâu rộng và lâu dài đối với kinh tế - xã hội toàn cầu.

Ở một số nơi trên thế giới chìm ngập trong lũ lụt triền miên thì một số nơi khác lại hứng chịu những đợt hạn hán khốc liệt kéo dài. Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của nhiều nước. Hậu quả là sản lượng và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, một lượng lớn dân số trên trái đất đang và sẽ chịu cảnh đói khát.

Chẳng hạn như đợt nắng nóng và hạn hán vừa qua là tồi tệ nhất trong lịch sử đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới.

Hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây) - hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc cạn trơ đáy vì nắng nóng.

Tại Trung Quốc, đợt nắng nóng được mô tả là “tồi tệ nhất trong hơn 60 năm” đã kéo dài hơn 70 ngày, quét qua các vùng đất rộng lớn, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tại hàng trăm trạm khí tượng. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo nhiều khu vực của nước này sẽ hứng chịu thời tiết nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trên 35 độ C. Ở châu Âu, Cơ quan Thời tiết quốc gia Anh (Met Office) lần đầu tiên phải ban bố cảnh báo đỏ do nóng cực đoan. Còn Viện Thủy văn Liên bang Đức cảnh báo khô hạn khiến nước sông Rhine tại Trạm đo Kaub, phía Tây Frankfurt thấp hơn 45% mức trung bình thời điểm này trong năm. Tại Tây Ban Nha, báo cáo mới nhất công bố vào ngày 25-8 của Hệ thống giám sát tử vong hằng ngày của Viện Y tế Carlos III (MoMo) cho thấy, số ca tử vong trong những đợt nắng nóng gần đây cao chưa từng thấy.

Nắng nóng kỷ lục và hạn hán dẫn tới nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội. Thiếu năng lượng khiến Tứ Xuyên - tỉnh có 80 triệu người của Trung Quốc, chứng kiến tình trạng nhiều nhà máy đóng cửa, tàu điện ngầm tối om; người dân buộc phải ngừng sử dụng điều hòa không khí. Tại các trang trại bị cắt điện, vô số gia cầm và tôm cá không thể sống sót. Trung tâm tài chính Thượng Hải với những tòa cao ốc rực rỡ mang tính biểu tượng giờ đây phải tắt bớt thiết bị điện để tiết kiệm năng lượng khi nhiệt độ tăng cao khiến các hạ tầng điện mặt trời suy giảm hiệu suất, thủy điện thiếu nước vận hành.

Tại Anh, bên cạnh nỗ lực ứng phó cháy rừng bùng phát mà lực lượng cứu hỏa London đã gọi ngày 23-8 vừa qua là "ngày bận rộn nhất kể từ Thế chiến thứ II" khi phải đối mặt với 1.146 sự cố cháy nổ khắp địa bàn, giao thông cũng gián đoạn. Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Anh Grant Shapps cho biết, nhiều tuyến đường sắt cũ của nước này không được thiết kế để chống chịu nhiệt độ cao. Nắng nóng cực đoan cũng đang khiến cho mạng lưới điện của Anh chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ việc sử dụng điều hòa không khí.

Trong nông nghiệp, nhiệt độ cao kỷ lục đe dọa nguồn cung nước sạch và sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Tại Mỹ, khô hạn kỷ lục đã "vắt kiệt" các hồ chứa nước lớn nhất, buộc chính phủ phải thực hiện các chính sách giảm sử dụng nước. Tới 75% nông dân Xứ cờ hoa cho biết, khô hạn đang hủy hoại vụ mùa, buộc họ phải bán bớt gia súc, phá hủy cây trồng. Còn nông dân Đức bày tỏ lo ngại năng suất trồng trọt có thể chỉ bằng một nửa năm ngoái.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, các đợt nắng nóng đang hoành hành có thể trở thành hiện tượng bình thường mới trong những thập kỷ tới. Nhiều chuyên gia nhận định, quan điểm cho rằng các quốc gia ôn đới sẽ tránh được hệ quả kinh tế của biến đổi khí hậu là không hợp lý; đồng thời lo ngại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng liên kết chặt chẽ, sự gián đoạn ở bất kỳ mắt xích nào đều sẽ gây ra tổn thất dây chuyền. Nắng nóng kéo dài phá vỡ sự đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến năng suất trong trồng trọt về dài hạn, kéo theo năng suất nông nghiệp giảm sâu, đẩy giá lương thực lên cao. Trong khi đó, mực nước các con sông hạ thấp khiến tàu chở hàng phải giảm tải trọng, chi phí vận chuyển tăng vọt...

Trong bối cảnh nhân loại tiếp tục gánh chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, rất cần tiếp tục có những hành động ở cấp toàn cầu, giảm khí thải về mức trung hòa để cứu vãn tình hình.

Vậy hạn hán là gì, nguyên nhân, tác hại và giải pháp

Hạn hán là gì ?

Hạn là một hiện tượng tự nhiên được coi là thiên tai, tạo thành bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa trong thời gian kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo dịch bệnh... nếu xắp xếp theo thứ tự gây thiệt hại về tài sản và sinh mạng trên toàn cầu thì hạn hán đứng thứ 4 sau lũ lụt, động đất và bão.

Nguyên nhân gây ra hạn hán

Tác động của con người:

Tình trạng phá rừng bừa bãi làm giảm khả năng điều tiết nước mặt, hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước (như lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước; thêm vào đó công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng... Vùng cần nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ, còn vùng thiếu nước (nguồn nước tự nhiên) lại bố trí xây dựng công trình lớn. Ngoài ra, chất lượng thiết kế, thi công công trình chưa được hiện đại hóa và không phù hợp. Thêm nữa, hạn hán thiếu nước trong mùa khô cạn là do không đủ nguồn nước và thiếu những biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng do sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, các vùng chưa có quy hoạch hợp lý hoặc quy hoạch phát triển không phù hợp với mức độ phát triển nguồn nước, không hài hòa với tự nhiên, môi trường vốn vẫn tồn tại lâu nay. Mức độ nghiêm trọng của hạn hán thiếu nước càng tăng cao do nguồn nước dễ bị tổn thương, suy thoái lại chịu tác động mạnh của con người.

Thời tiết bất thường cũng gây nên lượng mưa thiếu hụt thường xuyên kéo dài hoặc tạm thời thiếu hụt một thời gian

Mưa ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn. Lượng mưa trong khoảng thời gian dài đáng kể thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trên hầu khắp các vùng, kể cả vùng mưa nhiều.

Mưa không ít lắm, nhưng trong một thời gian nhất định trước đó không mưa hoặc mưa chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của sản xuất và môi trường xung quanh. Đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khí hậu gió mùa, có sự khác biệt rõ rệt về mưa giữa mùa mưa và mùa khô.

Tác hại của hạn hán

Bất kể giai đoạn hạn hán, có những hậu quả ngắn hạn và dài hạn với bất kỳ hạn hán nào do tính chất và sự phụ thuộc của xã hội vào nước. Các vấn đề liên quan đến hạn hán có thể có tác động kinh tế, môi trường và xã hội đối với cả các khu vực chúng xảy ra và các khu vực có quan hệ với những nơi hạn hán xảy ra.

Hầu hết các tác động kinh tế của hạn hán có liên quan đến nông nghiệp và thu nhập từ cây trồng.

Trong thời gian hạn hán, việc thiếu nước thường có thể làm giảm sản lượng cây trồng, và do đó làm giảm thu nhập cho nông dân và tăng giá thị trường của sản phẩm vì ít đi. Hạn hán kéo dài, thất nghiệp của nông dân và thậm chí các nhà bán lẻ có thể xảy ra, có một tác động đáng kể đến nền kinh tế của khu vực và những người có quan hệ kinh tế với nó.

Về vấn đề môi trường, hạn hán có thể dẫn đến nhiễm côn trùng và bệnh thực vật, tăng xói mòn, sinh cảnh và suy thoái cảnh quan, giảm chất lượng không khí và lượng nước hiện diện, cũng như tăng nguy cơ cháy do thảm thực vật khô hơn. Trong hạn hán ngắn hạn, môi trường tự nhiên thường có thể phục hồi, nhưng khi có hạn hán dài hạn, các loài thực vật và động vật có thể chịu đựng rất nhiều, và qua thời gian sa mạc hóa có thể xảy ra với sự thiếu độ ẩm.

Cuối cùng, hạn hán có tác động xã hội có thể gây ra tranh chấp giữa người được sử dụng nhiều nước với người được sử dụng ít nước, bất bình đẳng trong phân phối nước giữa người giàu và người nghèo, sự chênh lệch ở các khu vực cần giảm nhẹ thiên tai và giảm sức khỏe.

Ngoài ra, ở các nước đang phát triển ở nông thôn, việc di cư dân cư có thể bắt đầu khi một khu vực bị hạn hán vì thường người dân sẽ đi đến các khu vực mà nước và lợi ích của nó phổ biến hơn. Điều này sau đó làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của khu vực mới, có thể tạo ra xung đột giữa các quần thể lân cận và đưa người lao động ra khỏi khu vực ban đầu. Theo thời gian, việc gia tăng tình trạng nghèo đói và tình trạng bất ổn xã hội có thể phát triển.

Hạn hán có đặc điểm là hình thành chậm, thời gian ảnh hưởng kéo dài, có tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực bao gồm đời sống sinh hoạt, sản xuất, môi trường,vv... Ở Tây Nguyên hầu như năm nào cũng bị hạn hán đe dọa. Năm bình thường hoặc có mưa khá thì Tây Nguyên cũng phải chịu vài, ba tháng khô hạn (thường là từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 4) với trên 2/3 số vùng ảnh hưởng nắng hạn và thiếu nước. Đây là thời kỳ mà độ ẩm không khí, lượng mưa và lượng dòng chảy đạt thấp nhất trong năm và cũng là thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Với đặc thù là lượng mưa năm có sự biến động khá lớn quanh trị trung bình (năm mưa nhiều có thể có lượng lớn gấp đôi năm mưa ít), và lượng dòng chảy trong sông suối lại phụ thuộc chủ yếu vào mưa nên những năm mưa ít thì tình trạng hạn và thiếu nước trong mùa khô liền kề diễn ra rất gay gắt. Tần suất xuất hiện những năm hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên vượt 20% tức khoảng 5 năm lại có một năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phòng chống hạn

Hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả.

Các bước quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tác động của hạn hán là bảo tồn đất và nước. Bằng cách bảo vệ đất, nó có thể hấp thụ lượng mưa tốt hơn, nhưng nó cũng có thể giúp nông dân sử dụng ít nước hơn vì nó bị hấp thụ và không nhiều nước chảy ra ngoài. Nó cũng tạo ra ít ô nhiễm nước hơn bởi các loại thuốc trừ sâu và phân bón hiện diện trong hầu hết dòng chảy nông trại.

Ngoài ra, khử muối nước biển, tái chế nước và thu hoạch nước mưa là những việc đang được phát triển để xây dựng trên nguồn cung cấp nước hiện có và giảm hơn nữa tác động của hạn hán ở vùng khí hậu khô.

Chúng ta cũng cần phải sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông. Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng.