Kim Chi ·
1 năm trước
 3679

Dự án chậm triển khai, Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất

Mới đây, UBND TP.Hà Nội cho biết, đã nhận được kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; chấm dứt hoạt động với 8 dự án, tổng diện tích 34,4 ha. Tổng hợp kết quả xử lý đến nay là 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7 ha.

Còn nhiều dự án chậm triển khai

Theo thông tin mới đây cho biết, đối với các dự án đã rà soát, thanh tra, kiểm tra theo kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND TP, UBND TP cho biết, đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH-ĐT) kiểm tra, rà soát đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Kết quả cho thấy, 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND TP; 7 dự án tiếp tục báo cáo UBND TP chấm dứt hoạt động dự án theo quy định (tổng hợp kết quả xử lý đến nay là 45 dự án); 67 dự án Sở KH-ĐT đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Dự án KĐTM Thịnh Liệt. (Ảnh: Nhà đầu tư)

Với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND TP cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Liên ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát đối với 404 dự án. Kết quả cho thấy, có 9 dự án với tổng diện tích 8,1 ha, sau thanh tra, Chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai. Tổng hợp kết quả xử lý đến nay là 105 dự án với tổng diện tích 299 ha đất. Có 8 dự án với tổng diện tích 34,4 ha, kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; chấm dứt hoạt động dự án.

Tổng hợp kết quả xử lý đến nay là 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7 ha. Với 11 dự án với tổng diện tích 17,3 ha chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; xác định bổ sung số tiền nộp thêm tương ứng là 161,8 tỷ đồng. Kết quả xử lý đến nay là 71 dự án với tổng diện tích 112,3 ha đất; số tiền tương ứng với thời gian gia hạn là 371,115 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ UBND TP, các quận, huyện, thị xã đã bổ sung các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án. Trong số này có 53 dự án đã có quyết định chủ trương đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Có 120 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, TP giao kiểm tra thực hiện hậu kiểm việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Tập trung xử lý, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện. Đối với các dự án chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra cần tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý phải làm rõ các nội dung như: xác định rõ thời hạn giải quyết và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án thực hiện các thủ tục ban đầu, dự án thực hiện thủ tục điều chỉnh; có phương án, biện pháp xử lý dứt điểm. Làm rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư trong việc chậm thực hiện để xử lý theo quy định.

Các sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, không có ý kiến làm rõ các nội dung, nguyên nhân tổ chức sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng theo đề nghị của cơ quan chủ trì cần kịp thời báo cáo UBND TP sẽ bị xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật, Theo UBND TP, UBND TP cho hay.

Vì sao Hà Nội bế tắc trong “xử” dự án “treo”?

Việc chậm triển khai một phần do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ…

Cũng theo thông tin được biết, dù đã rất nhiều lần, TP.Hà Nội thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý, thu hồi các dự án “treo” - dự án chậm tiến khai trên địa bàn TP, song đến nay, kết quả của sự quyết tâm đó cũng chỉ là những con số kiêm tốn, thậm chí ngày càng “phình” to hơn.

Kết quả tái giám sát mới đây của HĐND TP.Hà Nội cho thấy, trong số 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) mà Thường trực HĐND TP kiến nghị ngày 20/9/2012, đến nay vẫn còn 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm; 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng tháng 3/2021 vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế.

Riêng với 383 dự án “treo” giai đoạn 2012-2017 mà HĐND TP kiến nghị xử lý, đến nay, vẫn còn 293 dự án chậm triển khai hoặc có các vi phạm, nhiều dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chậm nộp tiền sử dụng đất với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Những dự án như Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City), ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã 25 năm treo lơ lửng, nhưng ngành chức năng Hà Nội vẫn chưa thể giải được bài toán bế tắc này.

Theo ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, Quận rất quan tâm việc này, cũng đã rất nhiều kiến nghị cử tri và đã có những văn bản gửi UBND TP.

Đánh giá của HĐND TP.Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc chậm triển khai kết luận giám sát là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND TP chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích…

Việc hàng trăm dự án án chậm triển khai, bỏ hoang, trong đó có những dự án trên “đất vàng” Hà Nội không chỉ để lại hệ lụy về mặt cảnh quan, văn minh đô thị, mà còn lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống dân sinh.

Đơn cử như tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội sau 17 năm triển khai, đến nay cũng chỉ Khu đô thị trên giấy, hoang hóa, rác rưởi và không ít diện tích sử dụng sai mục đích. Năm 2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35 ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt nhưng kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại vẫn đang treo dài theo dự án.

Ông Trần Văn Huân, người dân phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai bức xúc khi dự án để hoang hóa lâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là môi trường sinh thái.

Cùng với các quận, huyện như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Hoàng Mai là địa bàn có nhiều dự án ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, phần lớn là dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ phát như ở khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp, Linh Đàm, Định Công. Tại phường Định Công, địa bàn diện tích chỉ 2,7 km2, nhưng có đến hàng chục dự án dang dở, mà phần lớn là dự án xây dựng trường học.

Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, trước đây HUD được phép bán lại hạ tầng cho nhà đầu tư thứ phát. Chủ đầu tư thứ phát hàng chục năm bỏ tiền mua lại nhưng bước tiếp theo để triển khai làm dự án đầu tư đối với Luật bây giờ còn những vướng mắc…

Không chỉ bế tắc trong việc xử các dự án “treo” từ thập niên này sang thập niên khác gây biết bao hệ lụy về kinh tế, cảnh quan đô thị và đời sống dân sinh. Qua tái giám sát, Thường trực HĐND TP.Hà Nội còn phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh trên địa bàn TP.

Để ngăn chặn tình trạng dự án chậm triển khai, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư. "Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án".