Thành Phong ·
1 năm trước
 8078

Dự án môi trường bền vững ở các tỉnh giờ ra sao?

Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải được triển khai ở 4 thành phố Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm với tổng nguồn vốn là 273 triệu USD, được thực hiện trong 5 năm từ 2017 – 2022 giờ ra sao?

Năm 2017, 4 thành phố duyên hải gồm Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) và Đồng Hới (Quảng Bình) được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải (CCSEP) với cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Tổng vốn đầu tư Dự án 273 triệu USD; trong đó, vốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 236 triệu USD, còn lại là vốn do các tỉnh đối ứng. Tính đến tháng 10/2022, Ngân hàng Thế giới đã giải ngân vốn 73,6 triệu USD.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan nên một số hạng mục thực hiện Dự án tại các tỉnh còn chậm tiến độ, cả 4 tiểu dự án đang đứng trước nguy cơ không thể về đích đúng hạn như cam kết.

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang) (Ảnh:ITN)

Tiểu dự án TP. Phan Rang - Tháp Chàm có tiến độ tích cực nhất

Tiểu dự án TP. Phan Rang - Tháp Chàm do Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận giữ vai trò chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đã hoàn thành công tác đấu thầu các gói thầu thuộc giai đoạn 1 (chiếm 30% khối lượng) và hoàn thành 14 trong số 26 gói thầu của giai đoạn này. Giai đoạn 2 (chiếm 70% khối lượng) gồm 19 gói thầu dự kiến triển khai đấu thầu trong quý II/2022.

Tiểu dự án có tổng mức đầu tư 1.962,367 tỷ đồng (vốn vay WB 1.655,5 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước 278,3 tỷ đồng). Theo báo cáo của Chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tiến độ chung là công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, trong giai đoạn 1, số hộ dân bị ảnh hưởng là 268 hộ. Giai đoạn 2, số hộ bị ảnh hưởng lên đến hơn 740 hộ. Bên cạnh đó là tác động của dịch Covid-19, mưa bão làm gián đoạn quá trình thi công.

Tiểu dự án TP. Nha Trang chuyển biến tốt

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang) và dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang là những dự án quan trọng về môi trường tại TP Nha Trang.

Tiểu dự án có tổng mức đầu tư quy đổi 1.607,51 tỷ đồng (vốn WB là 1.352,987 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 254,522 tỷ đồng), do Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Tiểu dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu (kéo dài 18 tháng) gồm 5 gói thầu xây lắp đến nay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, giai đoạn còn lại rất chậm so với kế hoạch do nhiều hạng mục vẫn đang được mời thầu, trong khi thời gian triển khai hợp đồng mỗi gói thầu thường kéo dài từ 16 - 18 tháng.

Nguyên nhân chậm tiến độ, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, là sự bùng phát của dịch bệnh, địa phương không thể tổ chức đoàn kiểm kê khối lượng đền bù ngoài hiện trường, họp hội đồng bồi thường, vận động người dân... Thêm vào đó, năm 2020, TP. Nha Trang chịu ảnh hưởng nặng nề của 3 cơn bão lớn (số 9, số 10, số 12), nên chính quyền địa phương không có đủ thời gian và nguồn lực để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa - chủ đầu tư CCSEP Nha Trang, sau thời gian vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải phóng mặt bằng đang tăng tốc với nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các hạng mục xây lắp cũng tích cực triển khai thi công để sớm đưa dự án về đích.

Tại hạng mục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đến nay đến vị thi công đã hoàn thành nhà bể chứa dầu mỡ, bể thu nước bọt váng, nhà phân phối điện, nhà tách nước cô đặt bùn, bể chứa bùn, các trạm bơm, bể cô đặc trọng lực, buồng phân phối, bể lắng cuối, mương oxy, bệ đỡ thiết bị khử mùi, trạm bơm nước sạch; Bể khử trùng UV; Bể đo lưu lượng xả... và hoàn thành lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ của một số hạng mục.

Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, 15/11 đến 15/12  sẽ tiến hành xin cấp phép môi trường. Dự kiến tháng 02/2024 sẽ vận hành thử nghiệm và hoàn thành trước 31/6/2024.

Tiểu dự án TP. Quy Nhơn

Về Tiểu dự án TP. Quy Nhơn, theo đánh giá, đây là tiểu dự án có tiến độ tích cực nhất. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) cho biết, Tiểu dự án đã hoàn tất chọn nhà thầu thi công các hạng mục xây lắp từ năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, công tác giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng đều được thực hiện đúng lộ trình, ít gặp vướng mắc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài làm gián đoạn thi công, do nhà thầu gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật lực triển khai các gói thầu. Được biết, Tiểu dự án TP. Quy Nhơn có tổng mức đầu tư 1.262,315 tỷ đồng (vốn đối ứng của Tỉnh là 119,165 tỷ đồng; còn lại là vốn vay WB).

Mục tiêu đầu tư nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên địa bàn TP Quy Nhơn, nâng cao sức khỏe của người dân thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, bao gồm 4 hợp phần chính: Mở rộng hạ tầng vệ sinh môi trường; Cải thiện kết nối đô thị; Bồi thường và giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ thực hiện và cải cách thể chế dịch vụ công ích.

Tiểu dự án TP. Đồng Hới

Tiểu dự án TP. Đồng Hới do UBND tỉnh Quảng Bình giữ vai trò chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới làm bên mời thầu. Tổng kinh phí đầu tư là 58,128 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 50,2 triệu USD; vốn đối ứng là 7,91 triệu USD (bao gồm ngân sách trung ương 3,61 triệu USD; ngân sách tỉnh 4,3 triệu USD). Bên mời thầu cho biết, tất cả 10 gói thầu xây lắp đã được trao thầu từ năm 2020. Tuy nhiên, Tiểu dự án vẫn còn một gói thầu xây lắp hạng mục nhà máy xử lý nước thải được đầu tư bổ sung từ nguồn vốn dư, dự kiến sẽ tổ chức mời thầu trong năm 2022.

Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đang tích cực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành Dự án theo đúng kế hoạch, trong đó đã thực hiện đấu thầu và trao hợp đồng 14 gói thầu với tổng trị giá trao thầu là 679,55 tỷ đồng, 01 gói thầu đang trình Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, 01 gói thầu đang lập hồ sơ thiết kế và dự toán. Tính đến ngày 31/01/2021, tổng giá trị giải ngân của Dự án đạt 266,676 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành.

Đối với Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới có thời gian thực hiện 05 năm từ năm 2017 - 2022 với tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD (vay vốn ADB). Dự án gồm 11 gói thầu. Đến nay, Ban Quản lý Dự án đã đấu thầu và trao hợp đồng 10 gói với tổng giá trị trao thầu là 452,6 tỷ đồng. Còn lại 01 gói thầu xây lắp đang trình Sở Xây dựng thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 3/2021. Tính đến ngày 31/01/2021, tổng giá trị giải ngân đạt 142,525 tỷ đồng.

 Dự án đang vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi thực hiện Dự án; phải điều chỉnh thiết kế, dự toán nhiều lần trong quá trình thi công. Theo đánh giá chung, tiến độ của các dự án đang chậm và mới giải ngân được ít. Nguyên nhân là do chậm trễ trong phê duyệt cấp vốn; công tác đấu thầu chưa tốt, mất nhiều thời gian; diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và mưa lũ kéo dài trong năm 2020...

Trước nguy cơ không thể về đích đúng tiến độ, cơ quan chủ quản các tiểu dự án cùng cơ quan chức năng đang hoàn thiện thủ tục, đề nghị WB xem xét chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện và thời hạn đóng các hiệp định vay vốn của Dự án đến ngày 30/6/2024.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7043438302382532/