Ngày 1-4-2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng trên 155,9ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Chuyển đổi hàng trăm hecta rừng
Theo quyết định, UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định, chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc đã lựa chọn Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thực hiện dự án, bảo đảm nhà đầu tư có năng lực, đủ điều kiện. Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến quý 4-2024 khai thác đi vào sử dụng.
Hình ảnh minh họa
Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, khi dự án sân golf được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng khoảng 174ha đất rừng, trong đó gần 156ha rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng 15.000m3. Đặc biệt, dự án sẽ làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
"Việc Gia Lai chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để xây dựng sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế đến môi trường và xã hội" - vị đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.
Cần hạn chế tác động đến môi trường
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, quan điểm của Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng những quỹ đất không có tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi qua làm sân golf. Đó là các khu vực đất lúa kém năng suất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất đồi không cho năng suất canh tác cao. Chỉ những quỹ đất hoang hóa, khó canh tác hoặc không canh tác gì được mới ưu tiên làm sân golf.
"Các địa phương phải hạn chế, tiến tới không cho phép sử dụng đất rừng làm sân golf. Với các danh thắng tự nhiên đẹp như đồi cỏ hồng tại Gia Lai cũng không thể cấp phép làm sân golf, vì đây là một danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên ưu tiên phát triển thành một địa danh du lịch sẽ tốt hơn", ông Võ nói.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính - phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN, có bao nhiêu sân golf trong quy hoạch không quan trọng, vấn đề phải tính toán, dự báo được nhu cầu chơi golf của người dân, du khách nước ngoài để tránh tình trạng làm sân golf không vì mục đích kinh doanh golf.
"Thực tế trong xã hội chỉ có số ít người dân đủ điều kiện chơi golf, khách du lịch cũng chỉ có một nhóm có nhu cầu chơi golf. Vì vậy, việc cấp phép đầu tư, xây dựng sân golf ở các địa phương thời gian tới phải gắn với các khu du lịch, các điểm du lịch", ông Đính nói. Đồng thời cho rằng cần định hướng để quy hoạch sân golf phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Theo đó, việc phê duyệt xây dựng sân golf phải gắn với định hướng phát triển các khu du lịch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, chứ không thể chạy theo đề xuất của doanh nghiệp. "Việc phát triển sân golf luôn cần quỹ đất lớn từ vài trăm hecta trở lên, vì vậy phải tính toán để phát triển sân golf hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, lấn rừng, hoặc đất sản xuất của người dân địa phương", ông Đính khuyến nghị.
"Gia Lai là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội có điểm xuất phát thấp. Sân golf Đak Đoa là một trong những dự án phù hợp với xu hướng phát triển các khu du lịch, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài lợi ích kinh tế, khi hoạt động sân golf sẽ tạo nên khoảng 1.000 việc làm cho nhân dân trong vùng" - ông Nguyễn Văn Lộc, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết.
Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách quy hoạch sân golf, Việt Nam có khoảng 30 dự án thực hiện, đưa vào khai thác, nhưng nhiều trong số này, doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng.